Tuổi già vẫn miệt mài mưu sinh
Bà Đỗ Thị Xíu – Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội dù đã ngoài 70 tuổi nhưng hàng ngày bà vẫn bên cạnh xe hàng rong bán hàng để kiếm tiền. Bà Xíu cho biết bà sống một mình, không có chồng con. Hàng tháng, trợ cấp của chính quyền được 700 nghìn đồng, còn lại bà đều tự lo để trang trải cuộc sống của mình. Từ khi dịch Covid-19 xảy ra việc đi lại, bán hàng khó khăn, lại từng mắc Covid-19 nên sức khoẻ của bà giảm sút, đi bán hàng cũng không còn được như trước, cuộc sống vốn khó khăn giờ càng khó khăn hơn.
Vợ chồng bà Lê Thị Tám – Cầu Giấy, Hà Nội cũng tương tự. Hai vợ chồng bà Tám đều 71 tuổi nhưng hàng ngày ông bà vẫn đi làm. Chồng làm bảo vệ lương thấp, bà Tám đi nhặt đồng nát. Bà Tám lại có bệnh ung thư tuyến giáp, hàng tháng bà vẫn phải đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ nên luôn phải cố gắng kiếm tiền để đi viện, lo trang trải cho hai vợ chồng ở giữa thành phố.
Vì không có lương hưu, cách đây vài năm con cái làm ở Hà Nội mua nhà nên về quê động viên vợ chồng bà Tám bán nhà ở quê để lên thành phố với con. Mấy năm trước con cái làm ăn được nên ông bà được hỗ trợ. Hai năm nay dịch bệnh bị ảnh hưởng, con cái làm không có tiền nên khoản hỗ trợ cũng không còn, vợ chồng bà Tám phải tự lực cánh sinh trên đôi vài tuổi già. Bà Tám cho biết mỗi ngày bà đi mua đồng nát từ 4h chiều, ăn tối xong, bà lại tranh thủ chiếc xe đạp đi nhặt đồng nát quanh các đống rác người ta bỏ ra ngoài. Mỗi vỏ chai, lon bia gom lại mang về để kiếm thêm đồng ra, đồng vào.
Bà Tám cho biết cả hai vợ chồng bà đều không có lương hưu, sống ở thành phố vô cùng khó khăn vì cái gì cũng phải mua bằng tiền.
Ở tuổi cao lẽ ra họ được hưởng cuộc sống an nhàn thì hiện tại có nhiều người già lại lo lắng chạy ăn hàng ngày, trong điều kiện dịch bệnh thì họ càng lo hơn. Bản thân bà Xíu sợ nhất là mình phải đi viện vì đi viện không có người chăm và không có tiền. Bà buông xuôi tuổi già, cố gắng lạc quan để mạnh khoẻ hơn.
Trường hợp của bà Đỗ Thị Phiên (Hà Nội), bà Phiên là giáo viên về hưu từ hơn 20 năm trước. Hiện tại bà đang 78 tuổi, mỗi tháng được 2,2 triệu tiền lương hưu. Số tiền này chỉ đủ cho bà mua thuốc chứ chưa nói tới ăn uống. Mấy năm trước, bà Phiên còn đi mua rau ở chợ đầu mối về bán nhưng từ khi có dịch bệnh bà nghỉ bán rau, sức khoẻ kém bà chỉ trông chờ vào đông lương hưu ít ỏi của mình.
Mưu sinh với những người đang dồi dào sức lao động chẳng phải là điều dễ dàng, với người cao tuổi lại càng vất vả gấp bội. Trong khi đó, những người già mưu sinh còn phải thường xuyên gặp nhiều rủi ro như: tai nạn giao thông do khả năng quan sát, phản xạ kém; dễ ngã bệnh bởi sức khỏe yếu... Tuy nhiên, dù khổ cực nhưng nhiều người vẫn luôn bám trụ với công việc để không là người “thừa” trong gia đình hay là gánh nặng cho xã hội.
Thời gian qua, chính sách hỗ trợ người cao tuổi của nhà nước như người già từ 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội; được nhận chính sách ưu đãi khi sử dụng một số dịch vụ; được chúc thọ, mừng thọ. Các địa phương, hội, đoàn thể, doanh nghiệp cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ quà, tiền, xây dựng nhà tình thương, vận động cộng đồng dân cư quan tâm, giúp đỡ người cao tuổi nghèo, neo đơn trong địa bàn dân cư... tuy nhiên nhiều người già vẫn gian nan kiếm sống.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Đại biểu quốc hội cho rằng nếu điều chỉnh chung cho cán bộ viên chức là 10% thì người về hưu cần điều chỉnh 10% và người về hưu trước 1993 điều chỉnh cao hơn để họ có mức lương phù hợp hơn để gắn với nhu cầu tối thiểu góp phần cải thiện đời sống của người về hưu. Dựa vào điều kiện kinh tế xã hội của từng vùng miền để tăng trợ cấp lương hưu cho người già để giúp họ ổn định cuộc sống.
Khánh Chi