Cần hỗ trợ công việc cho người cao tuổi ở vùng khó khăn
Theo số liệu của cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tính đến năm 2019, cả nước có gần 12,22 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12,7% dân số. Trong đó, tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên tăng nhanh nhất (chiếm 7,7% năm 2019 với gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,75% tổng số người cao tuổi).
Trong khi đó, người cao tuổi không được hưởng trợ cấp tại Việt Nam chiếm số đông nên việc làm cho người cao tuổi luôn bức thiết.
Bà Nguyễn Thị Hài (SN 1954, trú tại Nam Trực, Nam Định) cho biết chồng bà qua đời từ chục năm trước. Các con đi làm ăn và chưa vững về kinh tế nên bà Hài ngại làm phiền con cháu. Hàng ngày ở nhà bà vẫn tự tìm việc để làm thêm kiếm tiền tự trang trải cuộc sống của mình. Ngoài 4 sào ruộng cấy để lấy thóc ăn, bà Hài làm thêm nghề vàng mã. Nhờ chịu khó làm vàng mã mỗi tháng bà cũng có thu nhập từ 2 đến 2,5 triệu đồng. Bà Hài cho biết mình bị đau nhức xương khớp nên số tiền này chi tiêu tiết kiệm cũng đủ hàng tháng.
Không riêng bà Hài, rất nhiều người cao tuổi như bà ở trong xã cũng tìm công việc để làm, ít người ngồi không vì ai cũng nghĩ còn sức khoẻ thì còn làm. Một số người chân tay còn khoẻ có thể lên thành phố làm giúp việc hoặc đi bán hàng thuê, đi dọn dẹp theo giờ, thu mua đồng nát… Những người chân tay yếu thì đan lát thủ công, làm vàng mã, gấp phong bì, làm cỏ thuê cho các nhà vườn.
Bà Lê Thị Nhan – Hà Đông, Hà Nội, 65 tuổi vẫn đang đi làm cho một doanh nghiệp tư nhân. Bà Nhan cho biết bà vốn làm kế toán nên khi về hưu bà vẫn nhận việc về làm thêm. Doanh nghiệp khá thuận lợi khi thuê bà vì có kinh nghiệm trong kế toán cũng như không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN… Ngoài làm cho công ty, bà Nhan còn nhận cả kế toán tháng về làm tại nhà. Công việc cho bà thu nhập ổn định từ 20 – 30 triệu đồng/tháng.
Nhu cầu lao động cho người cao tuổi luôn lớn nhưng ở thành phố lớn thì cơ hội của họ cao hơn. Theo thống kê của Hiệp hội Giáo dục nghề nghiêp và nghề công tác xã hội Việt Nam cho thấy kết quả nghiên cứu vào tháng 6-8 năm 2020 tại 3 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hải Dương cho thấy khoảng 40-45% người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế. Trong số những người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế có khoảng 3-4% là chủ các doanh nghiệp, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi, đã và đang tạo ra hàng triệu chỗ làm việc cho người lao động ở khắp vùng miền trong cả nước. Bên cạnh đó, còn hàng vạn người cao tuổi tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Theo TS. Nguyễn Hải Hữu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam, nhu cầu việc làm của người cao tuổi rất lớn vì vậy Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về sinh kế cụ thể cho người cao tuổi.
Ông Hải cho rằng người cao tuổi cần có sự ưu tiên, khác biệt giữa chính sách hỗ trợ về sinh kế đối với người cao tuổi với chính sách hỗ trợ sinh kế đối với người dân có độ tuổi thấp hơn.
Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ sinh kế cho người cao tuổi ở vùng đặc biệt khó khăn khác với chính sách hỗ trợ sinh kế cho người ở vùng đồng bằng và thành thị. Cụ thể như: vốn vay lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản, có sự bảo lãnh của Hội người cao tuổi để sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ; Miễn giảm phí học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp; Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩn; Ưu tiên trong giao đất sản xuất nông nghiệp ở những địa điểm thuận lợi, dễ tiếp cận…
Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội phối hợp với các Bộ, ngành, hội người cao tuổi, đoàn thể liên quan và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Người cao tuổi; tham mưu cho Uỷ ban Quốc gia theo quy chế làm việc tổ chức phối hợp liên ngành giải quyết những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách; đồng thời có phương án, chương trình cung cấp thông tin về thị trường lao động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm với những công việc phù hợp với người cao tuổi.
K.Chi