Trẻ em bị xâm hại trên mạng xã hội có xu hướng ngày càng tăng
Theo báo cáo của Đường dây nóng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, từ tháng 5 đến tháng 8/2021, trung bình mỗi tháng tiếp nhận khoảng 600 ca xâm hại và bạo lực, tăng gần 1,5 lần so với 3 tháng đầu năm.
Năm 2020, số cuộc gọi tư vấn chuyên sâu ở nội dung xâm hại, bạo lực chiếm hơn 47%, tăng 7,2% so với năm 2019.
Việc sử dụng Internet thông qua các thiết bị công nghệ đã trở thành công cụ hữu ích để trẻ em có thể học tập, tiếp cận với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, cũng chính từ đây các loại tội phạm lợi dụng trẻ nhằm mục đích xâm hại, gây tổn hại cho trẻ diễn ra phổ biến. Việt Nam thuộc top các quốc gia có lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới, với 64 triệu người dùng, chiếm 66% dân số.
Trong đó, 1/3 là người chưa thành niên và thanh niên ở độ tuổi từ 15 - 24 và mỗi ngày có rất nhiều hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng, với hầu hết là các hình ảnh bạo lực, xâm hại tình dục.
Ảnh minh họa |
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam nhận định, trong thời gian ảnh hưởng vì Covid-19, trẻ tiếp xúc mạng xã hội, học online càng nhiều, nguy cơ bị xâm hại càng cao.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, hành vi xâm hại trẻ em trên mạng đã có khung pháp lý khá đầy đủ với các mức phạt lên đến vài chục triệu đồng. Chính phủ cũng vừa triển khai Chương trình quốc gia bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025, thành lập Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
"Bên cạnh đó, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 túc trực 24/24 để tiếp nhận mọi thông tin tố giác liên quan đến trẻ em. Ngay khi thông tin đến tổng đài, chúng tôi sẽ kết hợp cơ quan công an xử lý ngay", Phó cục trưởng Cục Trẻ em cho biết.
Có rất nhiều cách để phòng tránh trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng, nhưng không có cách nào tốt hơn là cha mẹ xây dựng được mối quan hệ đồng hành với trẻ, để trẻ tin cậy và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần.
Hoàng Thanh