Trẻ bị bắt nạt trên không gian mạng: Hậu quả dai dẳng hơn gấp nhiều lần
Đối với nhiều trẻ em trong bối cảnh giãn cách xã hội trong đại dịch toàn cầu COVID-19 thì mối liên hệ duy nhất mà trẻ có với bạn bè của mình sẽ chủ yếu là qua mạng.
Nhiều trẻ em đang sử dụng mạng xã hội và các ứng dụng như TikTok, FaceTime và Zoom thường xuyên hơn rất nhiều so với trước đây. Và mặc dù có nhiều điều tốt có thể đến từ việc tương tác online này như mang lại cho trẻ những kết nối quan trọng với thế giới bên ngoài nhưng không phải là không có rủi ro.
Trẻ em có thể bị bắt nạt trên môi trường mạng. |
Thực tế là có rất nhiều trường hợp trẻ em bị tấn công trên mạng, trong khi đó, nạn nhân bị bắt nạt lại không chia sẻ với cha mẹ hay thầy cô. Chỉ khi sự việc xảy ra rồi người lớn mới được biết.
Google dẫn báo cáo cáo từ DQ Institute cho thấy, trong năm 2020, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có chỉ số an toàn trực tuyến dành cho trẻ em thấp nhất thế giới. Trong khảo sát của Nielsen đối với nhóm đối tượng trẻ em tại bốn quốc gia Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, thanh thiếu niên lên mạng thường đối mặt với những mối nguy như nội dung bạo lực, bắt nạt, tin giả hay các mối nguy từ người lạ.
Tuy nhiên, trẻ có khuynh hướng ít chia sẻ với phụ huynh khi gặp phải các vấn đề trên mà thường chọn cách im lặng hoặc có hành động tiêu cực vì lo ngại phản ứng từ phụ huynh.
Kết quả nghiên cứu của các nhóm từ Trường ĐH Giáo dục và ĐH Sư phạm Đà Nẵng đều cho rằng việc bị bắt nạt dù là trên thế giới ảo nhưng lại có ảnh hưởng thực đến tâm lý của học sinh. Đối với những học sinh bị bắt nạt bằng lời trên mạng, kết quả cũng cho thấy có mối tương quan thuận giữa stress lo âu trầm cảm, tăng động, khả năng tự kiểm soát kém và tính bất thường với việc bị bắt nạt.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tai hại của bắt nạt qua mạng. Trẻ bị bắt nạt thường bị lo lắng, trầm cảm, kém tự tin và thỏa mãn với cuộc sống. Trẻ có thể sa vào nghiện ngập để trốn chạy - giảm khổ đau. Việc học của chúng có thể trở nên khó khăn và chúng có thể chán học hơn khi người bắt nạt là một học sinh cùng trường và nỗi đau thì dai dẳng hơn gấp nhiều lần so với trẻ bị bắt nạt trực tiếp.
Hoàng Thanh