Tiếp tục mục tiêu duy trì lãi suất thấp và ổn định tỷ giá hỗ trợ tăng trưởng
Năm 2022, Việt Nam tiếp tục mục tiêu duy trì lãi suất thấp và ổn định tỷ giá, bảo vệ giá trị đồng VND. Tuy nhiên, các điều kiện bất lợi từ bên ngoài đã và đang tạo sức ép rất lớn theo hướng tương đối bất lợi đối với lãi suất và tỷ giá của Việt Nam.
Ứng phó với điều này, NHNN đã phản ứng khá linh hoạt, thận trọng và phù hợp. NHNN đã liên tục sử dụng các biện pháp “bơm - hút” tiền đan xen. Việc thực hiện "bơm – hút" tiền liên tục nhằm kiểm soát thanh khoản thị trường, điều tiết cung tiền, hướng tới hai mục tiêu lớn là ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng và ổn định tỷ giá cũng như giá trị đồng VND, qua đó giữ chân dòng vốn, hạn chế tác động từ nhập khẩu lạm phát.
Trong bối cảnh ngân hàng trung ương nhiều nước thắt chặt điều kiện tài chính, tăng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát tăng cao, theo TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Kinh tế Ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Phân tích và Dự báo KT-XH (Bộ KH&ĐT) - việc NHNN giữ ổn định mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi kinh tế, được xem như một động thái chính sách đi ngược với xu thế chung toàn cầu, song lại khá phù hợp với tình hình kinh tế và diễn biến lạm phát (còn ở mức thấp) tại Việt Nam.
“Ngược lại, việc NHNN giữ ổn định tỷ giá và giá trị đồng VND giúp hạn chế đáng kể rủi ro nhập khẩu lạm phát quá lớn từ bên ngoài”, TS. Trần Toàn Thắng phân tích.
Áp lực tăng lãi suất đã hiện thực hóa một phần trong quyết định tăng lãi suất điều hành vào tháng 9/2022 của NHNN. Tình trạng lạm phát toàn cầu leo thang buộc ngân hàng trung ương các nước phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Trong 9 tháng, đã có 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu (năm 2021 có 113 lượt tăng).
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất USD đã ảnh hưởng đến khả năng thu hút và giữ chân dòng vốn nước ngoài tại Việt Nam. Để đảm bảo duy trì trạng thái chênh lệch hợp lý giữa lãi suất đồng VND và lãi suất đồng USD, NHNN đã liên tục sử dụng các biện pháp “bơm, hút” tiền đan xen. Tuy nhiên, áp lực tăng lãi suất đồng VND vẫn rất lớn.
Ngay sau động thái tăng mạnh lãi suất lần thứ 5 của FED, NHNN Việt Nam đã điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành: lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4%/năm lên 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng từ 5%/năm lên 6%/năm.
Mới đây nhất, ngày 14/12, FED tăng lãi suất lớn gấp đôi mức tăng 1/4 điểm theo thông lệ của ngân hàng trung ương. TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, điều này tiếp tục gây áp lực lên mặt bằng lãi suất của Việt Nam. Lãi suất khó có thể duy trì trạng thái thấp kéo dài, song nếu giả thiết về việc FED dần tới giới hạn tăng lãi suất thì đó sẽ là dư địa không nhỏ để NHNN ổn định mặt bằng lãi suất trong năm tới.
“NHNN phải giải bài toán tìm kiếm điểm cân bằng giữa lãi suất - tỷ giá - lạm phát khi áp lực gia tăng tỷ giá cũng tương đối rõ ràng, đồng VND đã mất giá khoảng 3% so với cuối năm 2021. Việc tăng mạnh lãi suất điều hành nhằm đối phó với lạm phát khiến đồng USD tăng giá mạnh”, TS. Trần Toàn Thắng phân tích.
Tính đến cuối tháng 9/2022, đồng USD đã tăng 15% so với cuối năm 2021 và 19% so với cùng kỳ năm 2021. Diễn biến lạm phát thế giới và sự mạnh lên của đồng USD gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi. Nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với USD, điều này gây áp lực rất lớn lên tỷ giá USD/VND và việc giữ ổn định giá trị đồng VND.
TS. Trần Toàn Thắng cho rằng nỗ lực giữ ổn định tỷ giá có ý nghĩa rất lớn đối với tình hình hiện nay của Việt Nam, nhằm hạn chế tác động nhập khẩu lạm phát trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng mạnh. Nói cách khác, NHNN sẽ phải điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng trong nỗ lực cân bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát trong nước.
“Các hành động sẽ theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá”, TS. Trần Toàn Thắng nói.
Ngân Giang