Vì sao Triều Tiên không vội tái mở cửa biên giới?
Năng lực đối phó với dịch Covid-19 chỉ có hạn khiến Triều Tiên được cho là một trong những quốc gia sẽ tái mở cửa biên giới muộn hơn so với các nước khác.
Giới chuyên gia nhận định, Triều Tiên dường như sẽ là một trong những quốc gia cuối cùng trên thế giới tái mở cửa đường biên giới, bởi sự bùng phát của dịch Covid-19 sẽ biến thành “thảm họa thực sự” đối với quốc gia nghèo khó như Triều Tiên.
Trong khi đó, Triều Tiên lại là một trong những quốc gia đầu tiên quyết định đóng cửa các đường biên giới, sau khi thông tin dịch Covid-19 xuất hiện ở hai quốc gia láng giềng là Trung Quốc và Hàn Quốc.
“Như chúng ta đã biết, Triều Tiên là quốc gia đầu tiên đóng hoàn toàn các đường biên giới và tôi nghĩ họ cũng sẽ là quốc gia cuối cùng tái mở cửa biên giới”, Yonhap dẫn lời ông Matt Kulesza, một hướng dẫn viên du lịch từ một công ty lữ hành Australia, người cho biết đã tới Triều Tiên hơn 60 lần chia sẻ.
Cũng theo ông Kulesza, việc Triều Tiên đóng cửa biên giới và thực hiện nhiều biện pháp phòng bệnh đã gây tổn thất kinh tế lớn cho quốc gia này.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì một cuộc họp hồi tháng Tám. (Ảnh: Yonhap) |
Hồi năm 2019, khi lúc bầu không khí quan hệ giữa Triều Tiên và cộng đồng quốc tế được cải thiện sau hai hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, số lượng du khách quốc tế tới thăm Triều Tiên mà chủ yếu là du khách từ Trung Quốc đã tăng lên con số 350.000 người, theo ông Kulesza.
Cho tới nay, triều Tiên vẫn chưa xác nhận quốc gia này có bất cứ trường hợp nào mắc Covid-19. Nhưng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh vẫn được Triều Tiên thực hiện một cách nghiêm túc.
Vào cuối tháng Chín, binh sĩ Triều Tiên đã bắn chết sau đó đốt xác một viên chức 47 tuổi thuộc Bộ Thủy sản và Đại dương Hàn Quốc khi người này đang trôi nổi ở khu vực phía bắc đường biên giới trên biển giữa Hàn – Triều. Nhiều người cho rằng, hành động của Triều Tiên là nỗ lực mang tính “hoang tưởng” nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 vào quốc gia.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố chính thức gửi tới Seoul, Bình Nhưỡng nhấn mạnh chỉ đốt vật thể mà công dân Hàn Quốc dùng để trôi nổi trên biển chứ không phải là đốt xác.
Ông Jerome Sauvage, cựu Điều điều phối viên cư trú của Liên Hợp Quốc tại Triều Tiên, nhận định Triều Tiên đã nhận thức rõ rằng quốc gia này không đủ khả năng để đối phó với dịch bệnh.
“Tôi chắc chắn, giới chức Triều Tiên biết rằng nếu Covid-19 tấn công Triều Tiên một cách nghiêm trọng, hệ thống y tế của nước này sẽ không đủ sức đối phó. Nó sẽ biến thành một thảm họa thực sự, do đó phản ứng của họ là phong tỏa mọi thứ và đảm bảo nội bất xuất ngoại bất nhập”, ông Sauvage nói.
Theo cựu quan chức Liên Hợp Quốc, mỗi thành phố và thị trấn ở Triều Tiên đều có ít nhất là 1 bệnh viện, cùng khoảng 5.000 bác sĩ gia đình để “hỗ trợ sát sườn cho người dân”.
Tuy nhiên, Triều Tiên lại đang thiếu trang thiết bị y tế cũng như nguồn cung cấp điện và nước sạch không ổn định khiến hệ thống y tế quốc gia trở thành “cái vỏ rỗng”.
“Những bệnh viện này nếu phải đối mặt với dịch bệnh, chúng sẽ không có khả năng xử lý, ông Sauvage kết luận.
TT Trump xuất viện sau 3 ngày, khẳng định 'khỏe hơn 20 năm trước'
Việc Tổng thống Mỹ Trump xuất viện chỉ sau 3 ngày điều trị Covid-19 để quay trở lại Nhà Trắng khiến các quan chức đảng Dân chủ lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Minh Thu (lược dịch)