Triều Tiên có động thái ngầm giúp ông Trump tái đắc cử?
Việc Triều Tiên không tiến hành thử nghiệm vũ khí mới được cho là động thái ngầm giúp ông Trump tăng cơ hội tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.
Những phân tích mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định, dường như phải sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Triều Tiên mới nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa và thử nghiệm vũ khí. Nguyên nhân là do Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vẫn có thể ngầm phát triển năng lực hạt nhân quốc gia trong giai đoạn Tổng thống Mỹ Donald Trump tại nhiệm.
Bà Sue Mi Terry, nhà nghiên cứu cấp cao tại CSIS đã bày tỏ mối nghi ngờ về khả năng Triều Tiên sẽ thực hiện “điều bất ngờ tháng 10" bởi "cuộc bầu cử năm nay sẽ là bất thường do ông Kim muốn ông Trump đắc cử”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai. (Ảnh: AP) |
“Tôi nghĩ hành động khiêu khích của Triều Tiên có thể sẽ được thực hiện trong giai đoạn chuyển tiếp quyền lực”, bà Terry nhấn mạnh khoảng thời gian từ ngày 3/11/2020 – 10/1/2021 có thể là thời điểm Triều Tiên nối lại các vụ thử nghiệm hệ thống vũ khí hiện đại.
Cũng theo bà Terry, hành động khiêu khích của chính quyền Bình Nhưỡng cũng có thể được thực hiện sau ngày 10/1/2021, nếu như ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11.
Mối quan hệ cá nhân giữa ông Kim và ông Trump trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới thời gian gần đây, sau khi phóng viên Bob Woodward của tờ Washington Post cho xuất bản cuốn sách mang tên “Rage”.
Nội dung cuốn sách nhắc tới một đoạn bức thư mà nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi tới người đồng cấp Mỹ vào ngày 25/12/2018 viết, “Tôi không thể quên được khoảnh khắc lịch sử khi tôi nắm bàn tay tuyệt vời của ngài”.
Và ông Trump đã trả lời ông Kim rằng, “Hai nhà lãnh đạo duy nhất có thể làm điều này chỉ có tôi và ngài”.
Nhắc tới chuỗi sự kiện dẫn tới hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất ở Singapore vào tháng 6/2018, phóng viên Woodward viết, “đó là năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ là ông Mattis luôn ở trong thế cảnh báo về các vụ thử tên lửa đạn đạo liên tiếp của Triều Tiên bao gồm vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15". Riêng năm 2017, Triều Tiên đã thực hiện ít nhất là 21 vụ thử nghiệm vũ khí.
Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn, ông Trump cũng thừa nhận rằng Washington và Bình Nhưỡng từng đứng trước nguy cơ xảy ra chiến tranh.
Bất chấp cuộc gặp lịch sử lần thứ nhất ở Singapore, các cuộc đàm phán liên quan tới chương trình giải trừ hạt nhân giữa Mỹ - Triều vẫn đang dậm chân tại chỗ.
“Hai bên đã sẵn sàng đàm phán ở mức cao nhất, nhưng sau đó mọi chuyện lại đảo chiều. Nghệ thuật chính trị hỗn loạn và mất tập trung của ông Trump khiến chuyện này không thể kéo dài”, Giáo sư John Delury tại Đại học Yonsei ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc chia sẻ với tờ Washington Post.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng từ chối cho phép Washington thị sát các kho chứa vũ khí.
“Triều Tiên không dừng lại việc phát triển các loại vũ khí hạt nhân hoặc phát triển hệ thống tên lửa. Họ chỉ là dừng phô trương những vũ khí này. Triều Tiên đã dừng làm những chuyện gây ảnh hưởng xấu tới ông Trump”, ông Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Giải trừ Hạt nhân Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu Cấm phổ biến hạt nhân (CNS) nói với Washington Post.
Một bản báo cáo nội bộ của Ủy ban Trừng phạt Triều Tiên thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc công bố hồi đầu tháng Tám cho hay, Bình Nhưỡng “chắc chắn đã phát triển các thiết bị hạt nhân thu nhỏ để tích hợp lên đầu đạn của tên lửa đạn đạo”.
“Triều Tiên đang tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân bao gồm sản xuất uranium làm giàu cấp độ cao và xây dựng một lò phản ứng nước nhẹ thử nghiệm”, báo cáo của Ủy ban Trừng phạt Triều Tiên viết.
Hồi đầu tuần này, báo cáo của Ủy ban Trừng phạt Triều Tiên cũng đã cáo buộc Bình Nhưỡng tăng số lượng nhập khẩu các mặt hàng dầu khí tinh luyện trong vòng 5 tháng đầu năm nay và vượt qua con số giới hạn 500.000 thùng/năm.
Ngoài ra, 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho biết hình ảnh vệ tinh hé lộ Bình Nhưỡng tạm thời dừng xuất khẩu than vào cuối tháng Một, nhưng đã nối lại hoạt động vận chuyển vào cuối tháng Ba. Các chuyên gia cho hay, “hoạt động chuyển giao ngay giữa các tàu” đã được tàu thuyền Triều Tiên thực hiện trong “vùng biển của một số quốc gia thành viên thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.
Trung Quốc và Nga đã chất vấn thông tin mà Ủy ban Trừng phạt Triều Tiên công bố trong văn bản nội bộ. Theo Moscow, Ủy ban Trừng phạt đã “đưa ra thông tin không chính xác và cụ thể hoặc không có bằng chứng là hình ảnh vệ tinh để chứng minh”.
Hồi tháng Chín, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho hay, Iran và Triều Tiên đã nối lại chương trình hợp tác phát triển tên lửa tầm xa bao gồm việc chuyển giao “các linh kiện quan trọng”.
Bình Nhưỡng lâu nay đã bị nghi ngờ hợp tác với Tehran trong chương trình phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Thậm chí, một số tin đồn cho hay Iran đã mua tên lửa của Triều Tiên từ vài chục năm trước.
Hé lộ tình tiết mới về vụ Triều Tiên bắn chết quan chức Hàn Quốc
Người đứng đầu nhóm điều tra của Hàn Quốc cho biết, binh sĩ Triều Tiên nổ súng bắn quan chức Hàn Quốc khi biết rõ danh tính người này.
Minh Thu (lược dịch)