Mỹ đặt 8.500 lính vào trạng thái cảnh báo cao giữa lúc Nga - NATO căng thẳng vì Ukraine
Mỹ đặt 8.500 binh sĩ vào trạng thái sẵn sàng triển khai, giữa lúc quan hệ Nga và NATO ngày càng căng thẳng vì vấn đề Ukraine.
Trong tuyên bố hôm 24/1, Lầu Năm Góc cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đặt 8.500 binh sĩ vào trạng thái “sẵn sàng triển khai” tới châu Âu, trong trường hợp NATO quyết định kích hoạt lực lượng phản ứng nhanh để xử lý tình huống xảy ra ở Ukraine.
RT đưa tin, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết các binh sĩ “mới chỉ được đặt trong trạng thái cảnh báo cao”, và “chưa có quyết định cuối cùng về hoạt động triển khai được đưa ra”.
Binh sĩ Mỹ tham gia cuộc tập trận của NATO ở Georgia. (Ảnh: AP) |
Hoạt động triển khai có thể xảy ra nếu như NATO quyết định kích hoạt lực lượng phản ứng nhanh bao gồm khoảng 40.000 binh sĩ từ các nước thành viên trong liên minh quân sự. Ông Kirby nhấn mạnh thêm, Mỹ duy trì “lực lượng có năng lực chiến đấu hùng mạnh tới châu Âu để ngăn chặn hành động tấn công”.
Vào sáng ngày 24/1, tờ New York Times cũng cho biết Nhà Trắng đã cân nhắc kế hoạch điều động từ 1.000 – 5.000 binh sĩ tới vùng Baltic và Đông Âu để ngăn chặn khả năng Nga “tấn công” Ukraine. Kể từ cuối tháng 10/2021, các cơ quan tình báo Mỹ nhận định một cuộc tấn công sắp xảy đến từ phía Nga nhằm vào Ukraine. Song Moscow khẳng định đây chỉ là những lời cáo buộc “bịa đặt”.
Dù chưa có sứ mệnh cụ thể giao phó cho số lượng binh sĩ Mỹ đang được đặt trong trạng thái cảnh báo, ông Kirby cho hay Lầu Năm Góc hy vọng có thể điều động “thêm các nhóm lữ đoàn chiến đấu, nhân viên hậu cần, nhân viên y tế, nhân viên hàng không, tình báo, trinh sát và giám sát” nếu như được yêu cầu.
Nói trước các phóng viên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết trong một năm qua, Mỹ đã có hành động hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhiều hơn bao giờ hết.
Mỹ và Anh cũng đã bắt đầu sơ tán nhân viên và thân nhân khỏi các đại sứ quán ở thủ đô Kiev. Hôm 24/1, chính phủ Ukraine nhấn mạnh “không cần phải hoảng sợ”, và thực tế không có mối đe dọa tấn công nào từ Nga trong tương lai gần.
Cũng trong ngày 24/1, các thành viên NATO được biết sẽ nhận được yêu cầu điều động thêm hạm đội và chiến đấu cơ tới Đông Âu, giữa lúc quan hệ Nga – NATO ngày càng xấu đi.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay ông hoan nghênh cam kết về “lực lượng tăng cường cho NATO”, đồng thời nhấn mạnh sẽ “tiếp tục có những biện pháp cần thiết để bảo vệ cho các nước đồng minh bao gồm điều thêm lực lượng tới khu vực phía đông của liên minh quân sự”.
Về phần mình, Nga đã cho điều động hai tàu hộ tống đa nhiệm hiện đại lớp Steregushchiy là Soobrazitelnyy và Stoikiy từ Hạm đội Baltic rời quân cảng Baltiysk để lên đường tiến hành cuộc tập trận hải quân quy mô lớn mà theo kế hoạch sẽ diễn ra trong suốt tháng Hai. Hai tàu chiến của Nga được thiết kế hoạt động ở vùng cận duyên hải, nhưng cũng có khả năng hoạt động ở vùng biển sâu.
Hai tàu Soobrazitelnyy và Stoikiy sẽ tiến hành hàng loạt cuộc tập trận để tăng cường năng lực cho đoàn thủy thủ để thực hiện nhiều sứ mệnh như phát hiện và đuổi theo tàu ngầm, chống hạm, phòng không, tìm kiếm và cứu nạn. Đáng nói, cả hai tàu còn mang theo lực lượng thủy quân lục chiến để tiến hành huấn luyện phòng thủ trong tình huống tấn công khủng bố giả định.
Hải quân Nga không thông báo hai tàu hộ tống sẽ di chuyển tới địa điểm nào, nhưng cho biết hai tàu thực hiện “chuyến đi biển xa”.
Đây là một phần trong cuộc tập trận quy mô lớn mà hải quân Nga sẽ tiến hành trong suốt tháng Hai. Theo đó, hải quân Nga cho điều động hơn 140 tàu chiến và tàu hỗ trợ, cùng 60 máy bay và 10.000 binh sĩ để tập trận. Quá trình huấn luyện sẽ diễn ra ở các vùng biển gần Nga, cũng như một số khu vực chiến lược trên thế giới như Địa Trung Hải hay Biển Bắc.
Thông tin hai tàu Soobrazitelnyy và Stoikiy lên đường đi tập trận được công bố giữa lúc các nước thành viên NATO tăng cường thêm lực lượng tới vùng Baltic. Cụ thể, Đan Mạch sẽ điều một tàu hộ vệ tới biển Baltic và tái triển khai các tiêm kích F-16 tới Lithuania. Các nước khác của NATO đang điều quân và vũ khí tới nhiều nước thành viên của khối nằm sát biên giới Nga. Mục tiêu của hành động này là tăng cường khả năng ngăn chặn của NATO trong trường hợp Nga tấn công Ukraine.
Ukraine minh oan cho Nga sau vụ tấn công mạng quy mô lớn
Một quan chức cấp cao Ukraine trở thành người đầu tiên công khai Nga không phải là thủ phạm gây ra vụ tấn công mạng mới nhất nhằm vào nước này.
Minh Thu (lược dịch)