Vì sao Mỹ - NATO phản ứng gay gắt trước cuộc tập trận của Nga và Belarus?
Mỹ và NATO phản ứng gay gắt giữa lúc Nga điều động binh sĩ và vũ khí với số lượng không được hé lộ sang Belarus để chuẩn bị tập trận quân sự.
Theo thông báo hôm 18/1, Nga đang điều động các binh sĩ và vũ khí sang Belarus để chuẩn bị cho cuộc tập trận quy mô lớn. Động thái này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm binh sĩ và vũ khí của Nga được điều chuyển tới gần biên giới Ukraine, giữa lúc phương Tây lo ngại Moscow có kế hoạch tấn công quốc gia láng giềng.
Giữa lúc căng thẳng gia tăng, Nhà Trắng đã lên tiếng cảnh báo Nga có thể tấn công Ukraine “bất cứ lúc nào”, trong khi Anh đã chuyển thêm một lô vũ khí chống tăng cho Ukraine.
Đoàn xe bọc thép của Nga di chuyển trên đường cao tốc ở bán đảo Crimea. (Ảnh: AP) |
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin thông báo đợt tập trận quân sự giữa Nga và Belarus bao gồm nội dung cùng ứng phó trước các mối đe dọa từ bên ngoài.
Giới chức Ukraine từng cho biết Nga có thể tấn công Ukraine từ nhiều phía bao gồm từ nước đồng minh của Moscow là Belarus.
Theo Thứ trưởng Fomin, quá trình điều động cả binh sĩ và vũ khí sẽ được thực hiện tới ngày 9/2. Và cuộc tập trận chung giữa Nga – Belarus mang tên "Allied Resolve 2022" sẽ diễn ra từ ngày 10 – 20/2. Ông Fomin cho biết, một phần của cuộc tập trận là nhằm “ngăn chặn và đẩy lùi sự xâm lược của nước ngoài”.
Song ông Fomin không nói cụ thể có bao nhiêu binh sĩ Nga được huy động đi tập trận. Nhưng theo ông Fomin, Nga sẽ huy động 12 chiến đấu cơ Su-35, cùng một số tổ hợp phòng không tới Belarus.
Hiện tại, Nga được cho đã huy động 10.000 binh sĩ cùng xe tăng và nhiều vũ khí hạng nặng tới gần Ukraine. Điều này khiến phương Tây lo sợ Moscow có ý định tấn công quân sự vào quốc gia láng giềng.
Về phần mình, Nga nhiều lần lên tiếng phủ nhận có ý định tấn công Ukraine, đồng thời yêu cầu phương Tây đưa ra những cam kết đảm bảo an ninh như việc NATO sẽ không mở rộng hoạt động sang Ukraine, hoặc đưa quân và đặt vũ khí ở các nước nằm gần Nga. Nhưng thực tế, những yêu cầu trên của Nga đã bị bác bỏ trong cuộc đối thoại giữa Nga – Mỹ ở Geneva và giữa Nga – NATO ở Brussels vào tuần trước.
Đáng nói, theo Thứ trưởng Fomin, cuộc tập trận ở Belarus với sự tham gia của các binh sĩ thuộc Quân khu phía Đông phản ánh sự cấp thiết thực hành tập trung toàn bộ tiềm lực quân sự của đất nước ở miền tây nước Nga.
“Tình hình có thể nảy sinh một khi các binh sĩ và phương tiện của lực lượng trong khu vực không đủ khả năng đảm bảo an ninh cho toàn quốc, chúng ta cần sẵn sàng tăng cường sức mạnh cho lực lượng này. Chúng tôi cũng đã đạt được sự đồng thuận với Belarus về sử dụng toàn bộ tiềm lực quân sự cho năng lực phòng thủ chung”, ông Fomin nói.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố cuộc tập trận chung giữa Nga - Belarus sẽ được tiến hành ở biên giới phía tây nước này và biên giới phía nam giáp với Ukraine.
Mỹ và NATO phản ứng gay gắt
Phát biểu hôm 18/1, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki miêu tả hoạt động điều động lực lượng quân sự của Nga tới Belarus là “tình huống đặc biệt nguy hiểm”.
“Chúng ta đang ở thế Nga có thể triển khai cuộc tấn công vào Ukraine bất cứ lúc nào”, AP dẫn lời bà Psaki.
Hàng loạt cuộc đối thoại diễn ra vào tuần trước giữa Nga với Mỹ và NATO về các biện pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng liên quan tới Ukraine đều rơi vào thất bại.
Vào ngày 19/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Kiev để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ngoài ra, ông Blinken sẽ còn gặp người đồng cấp Nga là Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov ở Geneva vào ngày 21/1 để tiếp tục có những nỗ lực hạ nhiệt khủng hoảng.
Còn trong tuyên bố vào ngày 18/1, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết cơ quan này đã tiếp nhận một chuyến tàu chở các loại vũ khí chống tăng từ Anh và khẳng định lô vũ khí sẽ “tăng cường năng lực phòng thủ cho quốc gia”. Tuy nhiên, thông báo từ Bộ Quốc phòng Ukraine không nói rõ Anh đã chuyển cho Ukraine số lượng vũ khí là bao nhiêu.
Cũng trong ngày 18/1, Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo sẽ tăng cường các tiểu đoàn dự bị nhằm nhanh chóng triển khai 130.000 tân binh để mở rộng lực lượng quân sự 246.000 quân. Theo đó, độ tuổi quân dự bị là từ 18 – 60.
Phía Mỹ và các đồng minh liên tiếp hối thúc Nga hạ nhiệt tình hình bằng cách cắt giảm số lượng binh sĩ được huy động tới gần biên giới Ukraine.
“Trong những tuần gần đây, hơn 100.000 binh sĩ Nga cùng xe tăng và súng đã tập hợp gần Ukraine mà không rõ lý do, đây là mối đe dọa”, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock nói với các phóng viên sau cuộc đối thoại ở Moscow với Bộ trưởng Lavrov.
Song ông Lavrov một lần nữa nhấn mạnh Nga có quyền tự do triển khai các lực lượng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia nếu điều này là cần thiết.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Berlin vào ngày 18/1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, “nhiệm vụ chính hiện tại là tạo ra bước tiến về mặt chính trị để ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine”.
Theo ông Stoltenberg, “trong tương lai gần” NATO sẽ gửi bản đề xuất viết tay trả lời các yêu cầu của Nga, và “hy vọng hai bên có thể nối lại đàm phán sau đó”.
Phát biểu trong chuyến thăm Ukraine vào ngày 18/1, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly đã chỉ trích hành động tăng cường điều động quân của Nga là không thể chấp nhận được. Bà Joly còn cho biết Canada đã có những nỗ lực hỗ trợ huấn luyện cho quân đội Ukraine, và đang xem xét đề xuất của Kiev về việc chuyển giao các loại vũ khí quân sự. Canada khẳng định “sẽ đưa ra quyết định vào thời điểm thích hợp”.
Moscow tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine vào lãnh thổ Liên bang Nga hồi năm 2014. Trong khi đó, cuộc chiến kéo dài sang năm thứ 8 ở miền đông Ukraine đã cướp đi sinh mạng của hơn 14.000 người.
Ukraine minh oan cho Nga sau vụ tấn công mạng quy mô lớn
Một quan chức cấp cao Ukraine trở thành người đầu tiên công khai Nga không phải là thủ phạm gây ra vụ tấn công mạng mới nhất nhằm vào nước này.
Minh Thu (lược dịch)