Sau dịch Covid-19, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh ở Việt Nam
Chia sẻ với PV Infonet, chị Hoàng Lan (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, chị không còn thói quen dùng tiền mặt. Thay vào đó chị thường xuyên quẹt thẻ để tránh va chạm, tiếp xúc nhiều.
"Trước khi chưa có dịch Covid, tôi vẫn thường rút tiền mặt về tiêu. Nhưng sau khi dịch bệnh xảy ra phức tạp, mỗi lần mua hàng dùng tiền mặt về lại phải dùng dung dịch sát khuẩn rửa tiền sạch tránh virus lây lan, tôi thấy vừa nguy hiểm vừa bất tiện nên sau đó thay vì dùng tiền mặt tôi đã chuyển qua quẹt thẻ.
Bây giờ mỗi lần đi chợ hoặc mua hàng hoá, chỉ cần mang theo thẻ ngân hàng là có thể giải quyết được hết mà không cần đến tiền mặt. Rất tiện lợi và an toàn", chị Lan cho biết.
Không riêng gì chị Hoàng Lan, rất nhiều người cho biết họ đã thay đổi thói quen dùng tiền mặt từ sau khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Số liệu khảo sát của Bộ Công Thương về thương mại điện tử năm 2020 – 2021 cho thấy, xu hướng người dùng chuyển sang các hình thức thanh toán thẻ, ví điện tử tăng lên rõ rệt.
Theo đó, tỷ lệ người sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ để thanh toán tăng từ 20% lên 24%, tỷ lệ người sử dụng ví điện tử để thanh toán cũng tăng lên nhanh chóng từ 23% lên 37%. Trong khi đó, tỷ lệ người sử dụng lựa chọn hình thức trả tiền mặt khi nhận hàng giảm từ 78% năm 2020 xuống còn 73% năm 2021.
Sự thay đổi thói quen thanh toán chuyển từ giao dịch tiền mặt sang các hình thức thanh toán thẻ, ví điện tử đã giúp thị trường thẻ ở Việt Nam tăng mạnh.
Theo báo cáo của Chi Hội thẻ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), sau thời gian xảy ra dịch bệnh, thị trường thẻ ở Việt Nam phát triển nhanh chóng. So với thời điểm năm 2018 thì hiện nay số thẻ lưu hành tăng gấp 1,5 lần, mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ tăng gấp 1,8 lần, doanh số sử dụng và doanh số thanh toán thẻ duy trì tăng qua các năm
Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2022, tổng số lượng thẻ đang lưu hành đạt 128,5 triệu thẻ các loại, tăng 7% so với năm 2021 và tăng 49% so với cuối năm 2018, trong đó: cơ cấu loại thẻ có sự dịch chuyển từ thẻ nội địa sang thẻ quốc tế, tỷ trọng thẻ nội địa giảm từ 87% năm 2018 xuống còn 72% trong 6 tháng năm 2022; tỷ trọng thẻ quốc tế tăng từ 13% lên 22% trong cùng giai đoạn.
Tổng số lượng thẻ nội địa lưu hành đạt 99,8 triệu thẻ, trong đó, thẻ ghi nợ nội địa chiếm 96%.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng số thẻ quốc tế lưu hành đạt 28,7 triệu thẻ, cao gấp 2,7 lần số lượng thẻ năm 2018. Trong đó, thẻ ghi nợ quốc tế chiếm 64% và thẻ thẻ tín dụng quốc tế chiếm 30% và thẻ trả trước quốc tế chiếm 6%.
Về doanh số sử dụng thẻ, năm 2021 tổng doanh số sử dụng thẻ toàn thị trường đạt 3.099 nghìn tỷ đồng, tăng 3% do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến ngày 30/6/2022, doanh số sử dụng thẻ đã lấy lại đà tăng trưởng ở mức 11% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1.838 nghìn tỷ đồng.
Tỷ trọng doanh số rút tiền mặt giảm mạnh từ 85% năm 2018 xuống còn 73% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Đối với hoạt động thanh toán thẻ, Chi hội Thẻ cho biết, năm 2021 tổng doanh số thanh toán toàn thị trường đạt 3.541 nghìn tỷ đồng, tăng 2%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường đã có sự phục hồi nhẹ, đạt 1.902 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đó, tỷ trọng doanh số thanh toán chi tiêu thẻ tăng từ 19% năm 2018 lên 33% tại thời điểm ngày 30/6/2022, trong khi tỷ trọng doanh số rút tiền mặt giảm từ 81% xuống 67%.
Doanh số thanh toán thẻ 6 tháng năm 2022 tăng trưởng mạnh ở mức 35% (cao nhất trong giai đoạn từ 2018 đến nay), trong khi doanh số rút tiền mặt giảm 7% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, doanh số thanh toán theo các hình thức thanh toán mới như QR, Ecom tăng trưởng ấn tượng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh số thanh toán QR đạt 4.888 tỷ đồng, tương đương 98% doanh số thanh toán QR của cả năm 2021, cao gấp 70 lần doanh số thanh toán năm 2018. Doanh số thanh toán Ecom 6 tháng đầu năm 2022 đạt 130.571 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần doanh số thanh toán Ecom của cả năm 2018.
Trong giai đoạn 2018 đến nay, số lượng ATM của các ngân hàng thành viên chỉ tăng 6%, từ 18.434 máy năm 2018 tăng lên 19.492 máy tại thời điểm 30/6/2022.
Tổng số lượng POS lưu hành tại thời điểm 30/6/2022 đạt 234.151 POS, tăng 18% so với năm 2021.
Số lượng mPOS tăng gấp 6,7 lần trong giai đoạn từ 2018 đến nay, từ 27.565 máy năm 2018 lên 181.979 máy tại thời điểm ngày 30/6/2022. Số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán QR cũng tăng gấp 2,5 lần, từ 57.969 đơn vị lên 144.288 đơn vị.
Không chỉ người tiêu dùng, đối với các ngân hàng cũng đã có sự thay đổi đáng kể. Các ngân hàng cũng đã tích cực ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại như: QR, NFC, eKYC, AI, Big Data, API…
Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến hết tháng 7/2022 có khoảng 5,5 triệu tài khoản mở bằng eKYC đang hoạt động, khoảng 8,9 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành. Tính đến cuối tháng 6/2022, hơn 1,8 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ mobile money (hơn 60% là khách hàng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo).
Số lượng thẻ lưu hành đạt 139,1 triệu thẻ (tăng 15,3% so với cuối năm 2021); số lượng người trưởng thành có tài khoản (bao gồm tài khoản thanh toán và thẻ ngân hàng) tại tổ chức tín dụng tính đến năm 2020 đạt khoảng 69%.
Theo đánh giá của ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN), thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2015 – 2021 đã tăng trưởng mạnh, bình quân đạt 50% về số lượng, 23% về giá trị; giao dịch qua Internet có mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 44% về số lượng, tăng 41% về giá trị; mobile Banking có mức tăng trưởng bình quân là 87% về số lượng, tăng 87% về giá trị.
Nguyễn Vũ