Ninh Thuận: Tỷ lệ thanh toán tiền điện, nước không dùng tiền mặt đạt trên 90%
Tháng 4/2022, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Mục tiêu của kế hoạch là, phấn đấu đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 20 lần GRDP của tỉnh; 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 35-40%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 50%.
Đối với các dịch vụ công, các cơ sở giáo dục thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt đạt từ 90 - 100%; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện thanh toán dịch vụ y tế và 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn TP Phan Rang, Tháp Chàm được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp, phân công nhiêm vụ, chỉ đạo các cấp, các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung vào các giải pháp: hỗ trợ chuyển đổi số; tăng cường thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, đặt biệt là trong các trường học, cơ sở giáo dục và các bệnh viện, cơ sở y tế. Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho chuyển đổi số và thanh toán số. Mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng nhà nước (NHNN) tỉnh Ninh Thuận, hiện trên địa bàn tỉnh có 38,1% người dân có tài khoản thanh toán điện tử; tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ tài chính - ngân hàng điện tử đạt 24,8%; 45,1% doanh nghiệp cho phép thanh toán trực tuyến; tỷ lệ số giao dịch tài chính của doanh nghiệp qua các kênh trực tuyến: e-banking, mobile banking đạt 10,74%.
Về thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh… đến nay cũng đạt được kết quả nhất định và đã tạo sự chuyển biến tích cực trong thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng.
Tại hệ thống ngân hàng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 9 chi nhánh NHTM triển khai thu nộp thuế qua tài khoản ngân hàng cho gần 35.000 lượt khách hàng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2021; 8 chi nhánh NHTM có phát sinh giao dịch thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng với hơn 116.000 lượt khách hàng, tăng 14,75 so với cùng kỳ; 7 chi nhánh NHTM có phát sinh giao dịch thanh toán hóa đơn tiền nước qua ngân hàng với trên 75.000 lượt khách hàng, tăng 6,5% so với cùng kỳ; 4 chi nhánh NHTM có phát sinh giao dịch thanh toán học phí qua ngân hàng với hơn 40.000 lượt khách hàng, tăng gấp 16 lần so với cùng kỳ năm 2021; có 1 chi nhánh NHTM có phát sinh giao dịch thanh toán viện phí qua ngân hàng với 606 lượt khách hàng, tăng 78,2% so với cùng kỳ và 5 chi nhánh NHTM có phát sinh thanh toán tiền thu hộ bảo hiểm xã hội và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng với gần 41.000 lượt khách hàng sử dụng dịch vụ, tăng 10,7% so với 6 tháng năm 2021.
Riêng đối với thanh toán tiền điện và nước, hiện tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt trên 90%, thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt đạt trên 98%, trả lương cho công chức, viên chức qua hệ thống ngân hàng đạt 100%...
Ông Hồ Chu Vân, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh Ninh Thuận cho biết, Việc triển khai đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công đạt được kết quả nhất định cũng đã tạo sự chuyển biến tích cực trong thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, ông Văn cho rằng cần có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân thực hiện các quy trình, thủ tục trong giao dịch, thanh toán.
Hải Yến