Sóc Trăng: Tổng giá trị từ thanh toán trực tuyến đạt gần 452 tỷ đồng
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, tính đến cuối năm 2021, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã phát hành trên 453.000 thẻ ngân hàng, đầu tư trên 124 máy ATM, lắp đặt 463 máy POS tại hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại và các điểm kinh doanh, mua sắm, với số tiền được giao dịch đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã có trên 100.000 giao dịch qua máy POS, với tổng giá trị thanh toán gần 452 tỷ đồng.
Ngoài các phương thức thanh toán qua thẻ, các ngân hàng thương mại cũng đã triển khai phương thức thanh toán thông qua các app ứng dụng trên điện thoại thông minh như: Internet Banking, Mobile Banking và các ví điện tử như: ViettelPay, ZaloPay, Ví MoMo...
Bên cạnh đó, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực nhà nước, khu vực dịch vụ và lĩnh vực hành chính công được đẩy mạnh.
Hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 1.395 đơn vị nhận lương qua tài khoản mở tại ngân hàng, trong đó có 1.122 đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Các khoản thu không dùng tiền mặt trong lĩnh vực dịch vụ tiếp tục tăng và đạt những kết quả rất tích cực qua mỗi năm như: Thu tiền nước đạt giá trị 41.684 triệu đồng, tăng 19,16%; tiền học phí thu đạt giá trị 6.398 triệu đồng, tăng 58,87%; thu viện phí đạt 305 triệu đồng, tăng 100%; thu hoạt động bưu chính, viễn thông đạt 1.300 triệu đồng…
Trong đó, từ năm 2020, Công ty Điện lực Sóc Trăng đã triển khai ngưng thu tiền điện tại nhà khách hàng, chuyển sang hình thức thu tiền điện tại các điểm thu của ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán, dần chuyển đổi sang hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.
Công ty Điện lực Sóc Trăng đã hợp tác với 12 ngân hàng và 11 tổ chức trung gian thanh toán triển khai các dịch vụ thanh toán tiền điện bằng hình thức không dùng tiền mặt trên toàn địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Khách hàng có thể đăng ký trích nợ tự động từ tài khoản ngân hàng (Vietinbank, Vietcombank, Sacombank, Agribank, ABBank, BIDV, MB, Lienvietpostbank. Techcombank, OCB, SHB, HDBANK).
Nhờ vậy, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2022, việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt giá trị trên 1.264 tỷ đồng, tăng 12,48%.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng đã kết nối dữ liệu với KBNN tỉnh, Cục Thuế tỉnh để phối hợp thu ngân sách bằng phương thức thu điện tử, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức và cá nhân thực hiện giao dịch nhanh chóng và thuận tiện.
Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Sóc Trăng Phạm Kim Hùng, cho biết, để triển khai thực hiện hiệu quả đề án không dùng tiền mặt, thời gian qua, NHNN tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phần trên địa bàn tỉnh tổ chức quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của địa phương và của ngành. Nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác.
Phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, bảo đảm thuận tiện cho người sử dụng nhưng an toàn, bảo mật. Đẩy nhanh phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử. Tiếp tục phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Để tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, hiện các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi, nhằm khuyến khích khách hàng thanh toán các hóa đơn dịch vụ qua các kênh giao dịch của ngân hàng qua internet, qua ATM, hoặc yêu cầu ngân hàng trích nợ tài khoản.
Bên cạnh đó, các ngân hàng còn có nhiều chính sách khuyến mãi như: không thu phí mở tài khoản, giảm phí chuyển tiền ngoài hệ thống, đồng thời phối hợp với các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp thanh toán thông qua dịch vụ ngân hàng điện tử.
Việc thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và thiết bị chấp nhận thẻ POS, đồng thời từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong chi tiêu, mua sắm và kinh doanh.
Nguyễn Yến