Sai lầm nguy hiểm khi dùng thuốc ở người già
Cấp cứu vì quên thuốc
Ông Nguyễn Văn Bằng (78 tuổi, ngụ tại TP. HCM) được con cái đưa vào cấp cứu trong tình trạng yếu liệt nửa người. Theo người nhà, từ sớm ông Bằng đã kêu mệt nên vào giường ngủ. Khi con cái phát hiện ra thì ông đã yếu chân tay bên trái, nói đớ. Cả nhà vội đưa vào cấp cứu.
Ông Bằng bị bệnh mạch vành đã được bác sĩ kê đơn thuốc uống. Uống xong 3 tháng không còn đau tức ngực, ông Bằng bỏ thuốc luôn. Ông sống riêng hai vợ chồng già nên không ai để ý việc sử dụng thuốc. Khi vào viện, bác sĩ cho biết ông bị đột quỵ do quên sử dụng thuốc kháng đông.
Hay trường hợp của bà Vũ Bích Thuỳ H. (78 tuổi, ngụ tại Bình Tân, TP. HCM) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hạ đường huyết cấp. Bệnh nhân than mệt mỏi vài ngày trước đó. Theo người nhà, bà H. phát hiện đái tháo đường tuýp 2 được hơn 3 năm nay. Thời gian gần đây đi kiểm tra sức khoẻ bác sĩ cho biết đường huyết của bà H. cao nên cần điều trị hạ đường huyết. Lo lắng đường huyết cao, bà H. uống thuốc bác sĩ kê và xin luôn đơn thuốc của hàng xóm để uống với hi vọng hạ đường huyết. Kết quả, đường huyết hạ xuống thấp dẫn tới hôn mê.
Theo TS Thể, các thống kê cho thấy người cao tuổi có nguy cơ gặp phải các biến cố có hại từ việc dùng thuốc cao hơn gấp 2-4 lần so với người trẻ. Nhiều bệnh nhân là người cao tuổi phải cấp cứu vì sử dụng thuốc sai, đặc biệt là các thuốc liên quan tới tim mạch, đái tháo đường. Thậm chí, sử dụng thuốc không đúng có thể gây ra nhiều bệnh lý như hạ huyết áp, bí tiểu, suy giảm nhận thức, táo bón, tình trạng té ngã.
Các sai lầm dùng thuốc ở người già
Bác sĩ Thể cho biết qua quá trình khám và tư vấn cho bệnh nhân là người cao tuổi, bà phát hiện thói quen của người cao tuổi hay gặp nhất là:
Thứ nhất, họ tự ý mua thuốc nam, thuốc đông y uống
Rất nhiều người có sai lầm trên để điều trị bệnh dẫn đến suy chức năng gan hoặc suy chức năng thận cấp, hôn mê, tăng đường huyết... Nhiều bệnh nhân tới khám với đủ thứ thuốc từ đông y, tây y mỗi nơi gom lại một ít.
Sử dụng thuốc không đúng, nhất là thuốc xương khớp có thể gây ra biến chứng như xuất huyết tiêu hóa. Bởi vì thành phần của các loại thuốc này là các thuốc giảm đau, kháng viêm.
Thứ hai, sử dụng không đúng gây nguy hiểm cho cơ quan tiêu hoá
Đối với thuốc đái tháo đường, đây là vấn đề hay gặp nhất. Người cao tuổi thường hay quá lo lắng do vậy họ có thể uống thuốc quá liều hoặc bỏ bữa ăn dẫn đến dễ bị hạ đường huyết quá mức, hậu quả là té ngã và các chấn thương do té ngã.
Thứ ba, không tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc
Nhiều người tự ý bẻ viên, nghiền thuốc hoặc tháo viên nang có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ do thuốc và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị: hay gặp ở người cao tuổi là tự ý tháo viên nang của thuốc kháng đông trong đơn thuốc thường dùng trong một số bệnh tim mạch để dễ uống thuốc làm tăng nguy cơ xuất huyết và phải nhập viện do thuốc.
Thứ tư, thấy đỡ là bỏ thuốc
Nhiều bệnh nhân bị tim mạch hoặc đái tháo đường khi thấy bệnh đỡ là quên uống thuốc hoặc ngưng thuốc luôn, không uống theo tư vấn của bác sĩ. BS Thể cho rằng việc quên dùng các thuốc huyết áp hoặc thuốc tim mạch như aspirin có thể gây tăng huyết áp dội ngược, cơn đột quỵ hoặc đau tim tái phát. Việc quên uống thuốc điều trị đái tháo đường có thể làm đường huyết không được kiểm soát tốt, tăng nguy cơ gặp biến chứng ở mắt, thận, thần kinh, tim...
Để uống thuốc hiệu quả an toàn, loại bỏ các thói quen xấu trên, BS Thể khuyến cáo thêm người bệnh có thể tham vấn của bác sĩ điều trị cho mình để sử dụng thuốc hiệu quả. Lưu ý nhất là khả năng tương tác thuốc. Tương tác thuốc có thể xảy ra khi một loại thuốc nào đó hoặc đồ uống, thức ăn, các loại thảo dược, thực phẩm chức năng ảnh hưởng đến tác dụng của một thuốc khác hoặc một tình trạng bệnh lý làm cho một loại thuốc trở nên gây hại.
Trong quá trình sử dụng thuốc, tuyệt đối không tự ý bẻ, nghiền thuốc, ngưng thuốc, giảm liều hoặc tự ý mua thêm thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ điều trị theo dõi bệnh cho mình.
K.Chi