Rùng mình với sự cố y khoa: Sót kim, kìm, kéo, gạc...
Tại Hội thảo về Hội thảo “Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?” tổ chức tại TP.HCM, các chuyên gia đã cùng nhau mổ sẻ về vấn đề sự cố y khoa.
Sót kim, gạc, kéo… chuyện bình thường?
Theo TS Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quốc tế Cần Thơ, sự cố y khoa làm ảnh hưởng tới cả người bệnh và ngành y tế. Sự cố y khoa do nhiều yếu tố tác động như quản lý điều hành, quy trình bệnh viện. Trình độ chuyên môn nguồn nhân lực. Nếu quy trình tốt nhưng nhân lực kém thì cũng dễ xảy ra sự cố y khoa.
Đạo đức của bác sĩ cũng liên quan. TS Cường cho rằng bác sĩ khi đối mặt với bệnh nhân phải đối diện với trách nhiệm đạo đức của mình. Bác sĩ đã tự hỏi khi kê toa bạn đã kê toa đúng với nhu cầu và bệnh của người bệnh.
TS Cường cho biết ông từng gặp bệnh nhân đến khám vì nuốt vướng. Kết quả phát hiện kim dể sót trong cơ thể bệnh nhân trong 10 năm dù đó là cuộc mổ rất đơn giản cắt amidan. Khi phát hiện ra trường hợp này bác sĩ đã xử lý ổn thỏa nhưng vấn đề bệnh nhân phải chịu đựng 10 năm vì cây kim do bác sĩ sót thì thật khó chấp nhận.
Những mảnh gạc, kìm, kéo thậm chí bệnh nhân đang trên xe cứu thương cũng bị té ngã đây là sự cố ở ngoài đường ai cũng gặp.
Thực tế, nhiều bệnh viện chỉ chăm chăm lo vào sự cố trong phòng mổ mà quên đi các sự cố y khoa khác ngay tại khu vực khám bệnh. Ví dụ có bệnh nhân được bác sĩ thông báo ra viện, bệnh nhân mừng quá đã nhảy lên và sàn nhà phòng bệnh trơn, trượt bệnh nhân đã ngã chấn thương sọ não.
Có bệnh nhân đi khám siêu âm vì khối u gan quá to nhưng máy móc kém chất lượng bác sĩ cũng không thể nhìn ra được và đến khi bệnh nhân đi khám cơ sở khác thì là ung thư gan giai đoạn cuối.
TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc một Bệnh viện Thẩm mỹ ở TPHCM cũng cho biết sự cố tai biến y khoa trong lĩnh vực là nhiều nhất chủ yếu do làm chui. Thực tế, nhiều trường hợp không phải y bác sĩ, hay người có trình độ y khoa nhưng lại tự ý mở spa, cơ sở làm đẹp để tiêm filler (chất làm đầy), tự ý tổ chức phẫu thuật nâng mũi, nâng ngực… và gây ra những tai biến, những sự cố y khoa đáng tiếc cho bệnh nhân.
BS Tú Dung dẫn chứng bằng những hình ảnh về trường hợp lật mi mắt nặng sau 10 lần mổ thất bại, mắt lật mi không thể nhắm thực hiện tại một spa ở Bến Tre; Trường hợp bệnh nhân nâng mũi thủng trụ vách ngăn tại một cơ sở không phải spa, không phải thẩm mỹ viện ở Lâm Đồng; Hoại tử mặt do tiêm Filler má tại một spa ở Quận 4 và trường hợp Spa ở Quận 6 tự tiêm Filler tại nhà gây hoại tử mông.
Ảnh minh họa. |
Theo BS Dung, chế tài pháp luật hiện nay là quá nhẹ với các trường hợp thẩm mỹ “chui”, tự ý dùng dao kéo can thiệp vào cơ thể của con người khi không có chuyên môn.
Ứng xử ra sao?
TS Cường cho rằng khi bị sự cố y khoa từ mức độ nhẹ tới nặng người bệnh và người nhà có thể tấn công bác sĩ điều này bản thân bác sĩ cũng khó có thể biết được cuộc mổ của mình có xảy ra sự cố hay không?
Sau sự cố y khoa,bác sĩ cũng chịu áp lực rất lớn vì không thể nào phục hồi cho người bệnh như trước, nhân viên y tế là ngành nghề rủi ro nghề nghiệp rất cao. 92 % bác sĩ cho rằng họ từng chứng kiến sự cố y khoa hoặc từng gây ra sự cố y khoa trong cuộc đời hành nghề của mình. Nhân viên y tế và sự cố y khoa đều có thể xảy ra trong suốt cuộc đời làm nghề của họ.
Khi gây ra sự cố y khoa, đa phần nhân viên y tế sợ hãi, né tránh và không còn muốn cống hiến cho ngành y. Một bác sĩ có thể rất giỏi nhưng khi xảy ra sự cố y khoa họ có thể bỏ nghề làm cho tổn thất nguồn lực ngành y tế. Đôi khi, vì sự cố y khoa xã hội mất một chuyên gia mà chúng ta phải mất mấy chục năm sau mới có lại được.
TS Cường cho rằng làm sao giảm được sự cố y khoa tới mức tối thiểu rất cần thiết. Ứng xử với sự cố y khoa bác sĩ cần trao đổi trong chuyên môn để giảm thiểu nó. Khi sự cố y khoa xảy ra, có 24 % bệnh nhân muốn đi kiện vì bác sĩ giải thích chưa thỏa đáng. 39 % bệnh nhân cho rằng họ không kiện nếu bác sĩ giải thích thỏa đáng. Nếu sự cố y khoa không phải do bác sĩ, bệnh viện giải thích thì sẽ khiến họ bức xúc.
Trong tương lai, bác sĩ Cường cho rằng cần có các buổi hội thảo chuyên môn để đánh giá về sự cố y khoa làm sao để nó hạn chế xảy ra nhất.
Khi đi mổ, bác sĩ cần định vị vị trí mổ, gọi đúng tên bệnh nhân để tránh mổ nhầm. Đối với bác sĩ cần có đạo đức hành nghề để giảm thiểu sự cố y khoa không mong muốn. Bác sĩ phải tiên lượng được bệnh nhân để tránh sự cố y khoa.
Cơ quan quản lý, BS Cường cho rằng cần có hành lang pháp lý bảo vệ cả đôi bên vì sự cố có thể không do bác sĩ mà do nhiều yếu tố khác tác động. Khi có sự cố phải cân bằng được cả cho bác sĩ và cho bệnh nhân. Nếu mỗi sự cố y khoa mất một bác sĩ thì rất khó cho bác sĩ hành nghề.
Khánh Chi