Quỹ Bảo lãnh tín dụng ở đâu khi doanh nghiệp khát vốn?
Có gần 30 quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng...
Thiếu vốn đã trở thành “căn bệnh kinh niên” của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam từ nhiều năm qua. Sau đại dịch Covid, “căn bệnh” này lại càng trở nên trầm trọng. Dù Chính phủ đã tung ra gói hỗ trợ cho vay giảm lãi suất trị giá tới 40.000 tỷ đồng nhưng gần như không giải ngân được và rốt cuộc các doanh nghiệp nhỏ và vừa đành trơ khấc.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện chỉ có khoảng 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn tài chính chính thống. Phần lớn còn lại không thể tiếp cận được, phải tìm kiếm vốn từ các nguồn khác, kể cả tín dụng đen, ngoài ngân hàng.
Còn khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có gần 47% số doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng ngân hàng. Vấn đề gây trở ngại nhất cho các doanh nghiệp khi tiếp cận tín dụng vẫn là không có tài sản đảm bảo, thủ tục vay vốn phiền hà.
Trong khi đó, theo ước tính của các tổ chức tài chính, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam có nhu cầu vay vốn lên tới hơn 20 tỷ USD mỗi năm.
Trong bối cảnh đó, lẽ ra Quỹ Bảo lãnh tín dụng có đất để mở rộng hoạt động nhưng trên thực tế lại hoạt động rất kém hiệu quả dù được ra đời từ năm 2001.
Khảo sát của VCCI cho thấy, chỉ có 7,34% số doanh nghiệp được hỏi đã tiếp cận được tín dụng từ Quỹ. Đây là tỷ lệ rất nhỏ bé, thể hiện hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn không hiệu quả.
Tính đến nay, cả nước có gần 30 Quỹ Bảo lãnh tín dụng được thành lập và đi vào hoạt động với tổng vốn điều lệ thực có khoảng trên 1.400 tỷ đồng. Các Quỹ Bảo lãnh tín dụng có quy mô vốn rất nên không thể đáp ứng được nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.
Có một lý do bất cập là Quỹ Bảo lãnh tín dụng yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, không khác gì quy định của các ngân hàng. Nếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo thì có thể vay trực tiếp từ ngân hàng, không cần thông qua Quỹ, để phải mất thêm phí bảo lãnh.
Với trường hợp doanh nghiệp được bảo lãnh tín chấp, thì Chủ tịch của Quỹ hay Hội đồng tín dụng cấp bảo lãnh chịu trách nhiệm bảo toàn vốn cũng như các nguyên tắc về quản lý tài chính. Quy định này, khiến những người đứng ra bảo lãnh tín chấp cho doanh nghiệp vay vốn ái ngại vì sợ trách nhiệm.
Vì vậy, hoạt động của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng đến nay rất lay lắt, kém hiệu quả, chưa phát huy được vai trò hỗ trợ doanh nghiệp.
Kinh nghiệm Hàn Quốc
Trong khi đó, với nhiều quốc gia trên thế giới, Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động rất hiệu quả. Tại Hàn Quốc lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp và cũng giống như Việt Nam hiện nay, trước đây khu vực doanh nghiệp này thường khó tiếp cận được nguồn vốn chính thống, nhất là vốn trung và dài hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ Hàn Quốc đã sớm có chính sách bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hệ thống Quỹ bảo lãnh tín dụng tại Hàn Quốc được triển khai từ năm 1976. Mức trần bảo lãnh là 2,6 triệu USD và trong một số trường hợp đặc biệt có thể được nâng mức trần lên đến 6 triệu USD. Tỷ lệ doanh nghiệp được bảo lãnh từ 70% - 85% so với số hồ sơ nộp đơn xin bảo lãnh; trong đó nhóm khởi nghiệp có tỷ lệ được bảo lãnh lên đến 100%. Mức phí bảo lãnh dao động từ 0,5 - 3%/năm, tùy thuộc vào mức độ rủi ro. Tính đến năm 2016, hệ thống đã bảo lãnh cho vay đối với hơn 205.000 doanh nghiệp với số tiền 42 tỷ USD.
Theo quy trình, doanh nghiệp và ngân hàng làm đơn xin bảo lãnh tín dụng gửi lên Quỹ. Nếu được Quỹ bảo lãnh phê duyệt thì ngân hàng sẽ cấp tín dụng cho doanh nghiệp. Sau khi được bảo lãnh tín dụng, doanh nghiệp sẽ phải trả phí cho Quỹ bảo lãnh. Trong trường hợp doanh nghiệp được bảo lãnh vay bị vỡ nợ thì Quỹ sẽ trả cho ngân hàng.
Nhờ chính sách bảo lãnh hiệu quả mà doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc đã có nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, vươn lên nắm vững và làm chủ những công nghệ hiện đại, trở thành những nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn, giúp kinh tế Hàn Quốc phát triển ngoạn mục.
Thổi luồng gió mới
Với Việt Nam, nhiều ý kiến từ lâu đã yêu cầu cơ quan quản lý cần đánh giá lại hoạt động của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng, tái cấu trúc cho phù hợp với thực tế, nhằm phát huy khả năng hỗ trợ doanh nghiệp.
Lý do là bảo lãnh thì phải bằng tín chấp, tỷ lệ thế chấp rất nhỏ và không thể hủy ngang. Quỹ Bảo lãnh tín dụng nên trực thuộc Chính phủ, có cơ quan quản lý, có trích lập dự phòng rủi ro, có đánh giá xếp hạng tín dụng.
Các Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương nên sắp xếp lại thành chi nhánh trực thuộc Quỹ trung ương để hợp nhất thành sức mạnh. Trong quá trình hoạt động, việc thu phí bảo lãnh phải được công khai, minh bạch. Quỹ phải trích lập dự phòng rủi ro trên cơ sở thu nhập từ phí bảo lãnh. Nhà nước sẽ phải nghiên cứu các nguồn lực tài chính để hỗ trợ quỹ này hoạt động thì mới khả thi.
Tuy nhiên, đến nay thì việc cải tổ, tái cấu trúc lại Quỹ bảo lãnh tín dụng để hoạt động hiệu quả hơn vẫn chưa được thực hiện. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp nhỏ và vừa cần vốn đã không thể trông cậy vào Quỹ này.
Thiếu vốn kinh niên, khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể đầu tư cho sản xuất kinh doanh dài hạn, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, để vươn lên nắm bắt và làm chủ công nghệ mới. Lực lượng doanh nghiệp này luôn trong tình trạng nhỏ bé manh mún, yếu thế trên thị trường và rất khó tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trần Thủy