Không thể để các quỹ bảo lãnh tín dụng “mạnh ai nấy làm”!
Đó là nhận định của đa số đại biểu là đại diện các quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD), các nhà nghiên cứu kinh tế, các DN tại hội thảo chủ đề “Hoạt động bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP. HCM” do Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM tổ chức tại TP.HCM hôm nay, ngày 14/8/2015.
Toàn cảnh hội thảo. |
Doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận vốn vay
Tại hội thảo, tất cả đại biểu đều nhận xét: Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DN VVN) giữ một vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế nước nhà, đang sử dụng trên 51% lực lượng lao động trong nước, đóng góp 40% GDP, chiếm sấp xỉ 90% DN cả nước. Nhưng với số quỹ BLTD hiện có, DN VVN vẫn… khó mà có thể tiếp cận để vay được vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
PGS-TS Lý Hoàng Ánh và Ths Nguyễn Thị Mai đồng tình nhận xét: “Hiện nay, cả nước có khoảng 21 quỹ BLTD địa phương nhưng một nửa số quỹ mới được thành lập cuối năm 2013, đầu 2014 nên chưa phát huy được hiệu quả hoạt động”.
Còn TS Trương Văn Khánh và thì cho biết cụ thể: “Chỉ có khoảng 32,38% số DN cho biết có khả năng tiếp cận và được vay vốn thường xuyên. 35.24% DN phản ánh là khó tiếp cận. Số còn lại không thể tiếp cận được vốn vay bởi nhiều nguyên nhân khác nhau”.
Để hỗ trợ được DN VVN vay được vốn trong thời điểm hiện tại, ông Lê Văn Đồng, Giám đốc quỹ BLTD cho DN VVN tỉnh Thanh Hóa cho rằng: “Nhà nước nên có phương hướng tổ chức và quản lý các quỹ theo hệ thống từ trung ương đến địa phương. Không nên để tình trạng “mạnh ai nấy làm” như hiện nay. Chỉ nên có một hệ thống quỹ BLTD trong cả nước. Đó là một tổ chức thống nhất”.
Ông nói tiếp: “Ngoài ra phải xác định BLTD cho DN VVN là chính sách hỗ trợ để DNVVN vay vốn tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh. Đã là chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì Nhà nước nên chịu rủi ro trước, do chính sách mang lại (nếu có)”.
Trong khi đó ông Khuất Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc quỹ đầu tư phát triển Hà Nội cho rằng: “Nên tập hợp các quỹ lại thành một quỹ tài chính. Không nên để tồn tại nhiều quỹ nhỏ lẻ như hiện nay”.
Quỹ bảo lãnh tín dụng “than”… thiếu vốn!
Đề cập đến chuyện này ông Khuất Quang Trung nhận xét rằng hoạt động BLTD cho DN ở thời điểm hiện tại: “Không thể lấy vốn ở đâu ra để xử lý rủi ro! Điều kiện bảo lãnh thì quá “nghèo”. Hỏi làm sao các quỹ BLTD chúng ta phát triển được!”.
Ông Khuất Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc quỹ đầu tư phát triển Hà Nội. |
Ngoài ra, giải thích nguyên nhân ngọn nguồn của việc thiếu vốn để quản lý rủi ro cho DN và yếu kém, ông cho rằng: “Quỹ BLTD hoạt động nhiều mô hình, hai mô hình chính là theo Quyết định số 03 của Thủ tướng Chính phủ, giao Ngân hàng Nhà nước quản lý tín dụng. Và theo Quyết định số 58, là “chúng ta”, cũng đều bảo lãnh cho DN VVN. So sánh ưu điểm và nhược điểm thì thấy, Quyết định 03 là cho Ngân hàng Nhà nước nguồn vốn để xử lý rủi ro. Còn quỹ BLTD theo Quyết định 58 thì không có vốn như thế. Không có nguồn vốn để xử lý rủi ro. Các ngân hàng thương mại nhìn vào quỹ BLTD của DN thấy không có vốn thì làm sao mà cho DN vay?!”
Ông Hà Văn Dương, Trưởng phòng Nghiệp vụ quỹ BLTD cho các DN VVN TP.HCM tỏ ra lo lắng: “Hiện cả nước có 27 quỹ BLTD. Tổng vốn trên 1.700 tỷ đồng. Nhưng hoạt động bảo lãnh còn rất nhiều khó khăn! Các tổ chức tín dụng khi cho DN vay có BLTD là nhìn vào vốn của quỹ ngay. Rất trăn trở!”
Còn ông Lê Văn Đồng, Giám đốc quỹ BLTD cho DN VVN tỉnh Thanh Hóa cho rằng: “Để hoạt động của các quỹ BLTD được hiệu quả cho DN được vay vốn thì Chính phủ cần quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa các ngân hàng thương mại và các quỹ BLTN. Và miễn thuế thu nhập DN đối với toàn bộ hoạt động của các quỹ BLTD cho DN VVN”.