Quảng Ninh: Tổ chức 40 lớp tập huấn cho giáo viên về xây dựng văn hóa học đường
Thời gian qua, Sở GD&ĐT Quảng Ninh tổ chức hơn 40 lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên của các trường học trên địa bàn về xây dựng văn hóa ứng xử học đường.
Thời gian qua, việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học đã được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, đẩy mạnh thực hiện.
Cụ thể, từ năm học 2019-2020 đến nay, Sở GD&ĐT Quảng Ninh phối hợp cùng các sở, ngành, tổ chức hơn 40 lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý học đường, đội tuyên truyền viên măng non của các trường học trên địa bàn về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; tâm lý học đường; phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội; phòng, chống mua bán người; Luật Giao thông; bồi dưỡng cán bộ đoàn, đội trong trường học...
Nhờ đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cán bộ công đoàn giáo dục, đoàn thanh niên, đội thiếu niên trong trường học được nâng cao hơn kiến thức văn hóa ứng xử, năng lực tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.
Sở GD&ĐT Quảng Ninh còn phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh duy trì các buổi tuyên truyền phòng chống ma túy, ATGT, phòng chống cháy nổ; triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho các kỳ thi của ngành Giáo dục.
Cùng với đó là đảm bảo an ninh trật tự, ATGT khu vực trường học; giải tỏa các điểm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm gần trường học. Hàng tháng, Công an tỉnh thông tin kịp thời các trường hợp giáo viên, học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, vi phạm Luật giao thông để nhà trường có căn cứ xử lý.
Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 646 trường, trong đó có 222 trường mầm non, 162 trường tiểu học, 136 trường THCS, 54 trường TH&THCS; 58 trường THPT 14 Trung tâm giáo dục thường xuyên theo đánh gia đa số các trường đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, giáo dục lòng yêu nước, yêu thương con người và truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc cho cán bộ, giáo viên, thanh thiếu niên học sinh trong đơn vị.
Văn hóa xếp hàng tại trường học |
Việc tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức, từ tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao đến tổ chức các buổi tọa đàm, các cuộc thi tìm hiểu... Nhiều trường còn thường xuyên nêu gương cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và trách nhiệm người đứng đầu ở nhà trường trong xây dựng văn hóa ứng xử; nêu gương học sinh tích cực trong thực hiện văn hóa ứng xử tại các buổi chào cờ thứ 2 hàng tuần.
Các trường cũng tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, phòng chống tệ nạn xã hội... vào các môn học, như môn: Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục chính trị, Ngữ văn, Lịch sử... và tích hợp vào các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, kỹ năng sống, các chuyên mục phát thanh măng non, các câu lạc bộ của nhà trường.
Không chỉ vậy, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử cũng được thắt chặt, tăng cường hơn trước. Nhiều cơ sở giáo dục đã xây dựng và phát huy hiệu quả trang thông tin điện tử của nhà trường, kịp thời phản ánh, trao đổi, thu thập, xử lý thông tin học sinh, nhà giáo, nhân viên nhà trường, gia đình người học, cá nhân có liên quan khác về văn hóa ứng xử trong trường học và trên môi trường internet, mạng xã hội.
Cùng với đó Sở GD&ĐT Quảng Ninh còn chỉ đạo các trường học cần tăng cường phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên xây dựng, triển khai Bộ quy tắc ứng xử trong trường học.
Theo thống kê, đến thời điểm này, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đều đã hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học, trong đó quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm, các mối quan hệ ứng xử thể hiện qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử trong môi trường học đường.
Các bộ quy tắc này đều được lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường và khi hoàn thành đều được phổ biến đến từng giáo viên, học sinh, niêm yết công khai tại các bảng tin, bảng thông báo, trang thông tin điện tử của các trường.
Việc đẩy mạnh xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học đã tạo niềm tin tưởng của các bậc phụ huynh đối với các trường học trên địa bàn. Đây cũng là cơ sở để rèn luyện học sinh phát triển toàn diện về kiến thức, tinh thần, kỹ năng; đạo đức lối sống, từ đó trở thành công dân tri thức, đạo đức trong xã hội.
Hoàng Thanh