Bến Tre: Phấn đấu 100% các trường học duy trì, phát huy và thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường
Sở GD&ĐT Bến Tre cho biết địa phương phấn đấu giai đoạn 2022 - 2025, 100% các trường học duy trì, phát huy và thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.
Cụ thể, Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2020 - 2021, có 100% các trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trướng học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Hằng năm, có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, HSSV được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Công đoàn Giáo dục, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên trong trường học được bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức ứng xử văn hóa và năng lực tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học. Có ít nhất 90% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Giai đoạn 2022 - 2025, 100% các trường học duy trì, phát huy và thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử; 100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, HSSV được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Ảnh minh họa |
Có ít nhất 95% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Công đoàn Giáo dục, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên trong trường học được bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức ứng xử văn hóa và năng lực tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học. Có ít nhất 95% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, trong lành.
Để thực hiện đề án, UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể thực hiện.
Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử; xây dựng, thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử theo các quy định quy tắc ứng xử trong trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng trong trường học; nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre, các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện khá tốt việc xây dựng văn hóa học đường và môi trường giáo dục lành mạnh. Đến nay, 100% các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã ban hành bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường.
Các trường học, cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích. Song song đó, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính khóa, hoạt động xã hội, từ thiện được tổ chức phù hợp với độ tuổi, đặc điểm tâm lý, sinh lý của người học. Nhà trường thường xuyên trao đổi thông tin với gia đình người học và cộng đồng trong việc đảm bảo an toàn tính mạng, thân thể, nhân phẩm,danh dự và bí mật đời sống riêng tư của người học. Đến nay, 95% các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có cung cấp số điện thoại đường dây nóng của trường.
Bên cạnh đó, các trường học, cơ sở giáo dục còn giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại người học; phòng, chống bạo lực học đường và thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học. Đến nay, 100% các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an ninh, an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường.
Còn theo đại diện Bộ GD&ĐT thì nếu để xảy ra bạo lực học đường, người đứng đầu địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm về công tác giáo dục đạo đức, lối sống, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống tệ nạn xã hội tại địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Để phòng chống bạo lực học đường, thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử các địa phương cũng cần bảo đảm các nguồn lực thực hiện giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên; đặc biệt là điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên. Trong đó xem xét, bố trí nhân viên làm công tác nhân viên làm công tác tâm lý học đường phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương.
Tạo điều kiện để phát huy hiệu quả các thiết kế văn hóa có phục vụ nhu cầu tâp luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh cho thanh thiếu nhi. Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện đề án, chương trình liên quan đến giáo dục đạo đức, lỗi sống; kiến nghị Hội đồng nhân dân đưa nội dung giám sát về công tác giám sát giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi tại địa phương.
Hoàng Thanh