Đà Nẵng: Chung tay xây dựng văn hóa học đường
Theo Sở GD&ĐT Đà Nẵng, thời gian tới sẽ chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và ứng dụng xây dựng văn hóa ứng xử học đường góp phần đẩy lùi bạo lực học đường.
Cụ thể, các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Đà Nẵng sẽ chú trọng hơn nữa trong công tác xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện; tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục phòng, chống bạo lực học đường thông qua tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.
Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng tránh xâm hại; đề cao sự gương mẫu của thầy, cô giáo để mỗi thành viên trong nhà trường đều trở thành những người thân thiện, thuyết phục.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa gia đình người học với cơ sở giáo dục về quản lý, giáo dục con em; ký cam kết giữa thủ trưởng đơn vị với giáo viên, nhân viên và giáo viên chủ nhiệm với học sinh về việc không để xảy ra bạo lực học đường theo từng năm học.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục thường xuyên thông tin hai chiều với cha mẹ học sinh về tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường và thống nhất biện pháp giáo dục; hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh những kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục con em tiến bộ.
Các trường học, cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể tại địa phương huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong công tác đấu tranh phòng ngừa bạo lực học đường, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh trước và trong các cơ sở giáo dục…
Ảnh minh họa |
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, để xây dựng trường học hạnh phúc cần đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, truyền thông giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa và khơi dậy khát vọng cống hiến, niềm tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão; tinh thần trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, xã hội.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và các tiêu chí đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh sinh viên ở các cấp học và trình độ đào tạo.
“Chúng ta cần thực hiện tốt hơn nữa việc tích hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm xã hội, kỹ năng mềm, giá trị sống, tinh thần làm việc nhóm, công dân toàn cầu vào các môn học, hoạt động giáo dục.
Tăng cường cung cấp nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ trên nền tảng công nghệ số. Xây dựng sản phẩm truyền thông hiện đại phục vụ công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên internet, mạng xã hội.
Khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời cán bộ, giáo viên, thanh niên, học sinh, sinh viên đã tích cực xây dựng các bài giảng, clip, tài liệu về giáo dục đạo đức, lối sống đưa lên Hệ tri thức Việt số hóa”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho hay.
Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tích cực và tiếp tục triển khai hiệu quả giải pháp tăng cường giáo dục toàn diện Đức - Trí - Thể - Mĩ cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường, đẩy mạnh giáo dục văn hóa học đường.
Trong việc dạy người, Bộ GD&ĐT sẽ đặc biệt chỉ đạo chú ý phát triển nhân cách, tạo dựng những con người có chí hướng, hoài bão; từ đó hình thành lên một thế hệ trẻ giàu niềm tin, khát vọng và trách nhiệm với đất nước. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ quản lý, giáo viên, mỗi thầy cô phải là tấm gương sáng để học sinh, sinh viên học tập, noi theo.
Các trường sư phạm sẽ phải tiếp tục đổi mới nội dung đào tạo, gắn với tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử sư phạm.
Đề xuất một số nhiệm vụ và giải pháp triển khai để đạt mục tiêu trên của Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng đồng thời cho rằng, để công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và các địa phương.
Cùng với đó là giáo dục bằng phương pháp nêu gương của người lớn, bằng những việc làm cụ thể, bằng những câu chuyện đi vào lòng người; đồng thời tạo môi trường để thanh thiếu niên và nhi đồng được rèn luyện, học tập.
Hoàng Thanh