Quảng Nam tăng cường tuyên truyền về chống khai thác IUU cho ngư dân
Quảng Nam có bờ biển dài 125 km, ngư trường khai thác rộng hơn 40.000km2. Tỉnh có 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển có nghề khai thác hải sản trên biển với tổng số tàu cá khai thác trên biển là 2.743 tàu. Nghề khai thác thủy sản đã góp phần vào phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh, cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình, giải quyết việc làm, hiện đại hóa bộ mặt nông thôn ven biển và sự hiện diện của các tàu cá trên biển nhất là tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa... là những cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo của quốc gia, đảm bảo an ninh quốc phòng cho Tổ quốc.
Toàn tỉnh có 9 nghiệp đoàn nghề cá với 720 tàu và 4.879 lao động; 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 1.040 tàu và 8.063 lao động tham gia đã góp phần hỗ trợ sản xuất, cứu nạn, cứu hộ khi có tai nạn, thiên tai trên biển.
Sản lượng khai thác thủy sản hằng năm đạt từ 95.000 - 100.000 tấn, trong đó khoảng 65% là từ khai thác vùng khơi. Nghề khai thác thủy sản đã giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động, trong đó khoảng 12.000 người khai thác trực tiếp trên biển và khoảng 3.000 lao động trên bờ làm nghề dịch vụ, thu mua.
Những năm qua, Sở NN&PTNN Quảng Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên biển cho ngư dân, nhất là các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), qua đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho ngư dân.
Ngư dân Nguyễn Nhi (trú huyện Núi Thành) cho hay, ra khơi mùa này thời tiết trên biển thường có sóng to, gió lớn nên ngư dân đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm. Tuy nhiên, các loại thủy sản mùa này thường có giá trị kinh tế cao nên ngư dân vẫn tích cực vươn khơi. “Nhờ được tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật nên tôi đều kiểm tra rất kỹ ngư lưới cụ, máy móc, thiết bị giám sát hành trình… trước khi vươn khơi, đánh bắt”, ngư dân Nhi chia sẻ.
Sở NN&PTNN cho biết, trong thời gian qua đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm về chống khai thác IUU; kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, hỗ trợ kinh phí hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đúng quy định (như hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, công bố hạn ngạch giấy phép...); có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, các địa phương trong công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá nhằm ngăn chặn, giảm thiểu các hoạt động khai thác IUU.
Trong thời gian tới Sở NN&PTNN sẽ tăng cường công tác tuyên truyền Chỉ thị 45/CT-TTg các quy định về chống khai tác IUU, Luật Thủy sản 2017, Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982; các quy định về khai thác thủy sản của nước ta và một số nước trong khu vực để ngư dân nắm rõ, tránh sai phạm trong khi hoạt động trên các vùng biển; triển khai thực hiện nhiệm vụ theo các kế hoạch của tỉnh về chống khai thác IUU.
Ngoài ra, Sở NN&PTNN tiếp tục phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng về việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của Ủy Ban Châu Âu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; kiện toàn Văn phòng đại diện Thanh tra, kiểm soát nghề cá; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền và hướng dẫn ngư dân các nội dung về chống khai thác IUU... Sở cũng yêu cầu Chi Cục thủy sản duy trì hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá trước khi xuất bến tham gia khai thác thủy sản tại vùng biển khơi và kiểm soát tàu cá khi cập bến, lên cá tại cảng cá; đẩy mạnh hoạt động phối hợp tuần tra, kiểm soát trên sông, trên biển và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chống khai thác IUU.
Hồ Ca