Quảng Bình: Công khai thu, chi trong cơ sở giáo dục công lập
Theo Công văn số 1510/SGDĐT-KHTC của Sở GD-ĐT, các trường học, cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm các quy định và quy trình được hướng dẫn tại Công văn số 1660/HD-SGDĐT của Sở GD-ĐT; phải thông báo công khai đến cha mẹ học sinh để phân biệt rõ khoản thu theo quy định và khoản thu theo thỏa thuận hoặc đóng góp tự nguyện. Các khoản thu thỏa thuận phải tổ chức lấy ý kiến của từng phụ huynh học sinh bằng phiếu theo hướng dẫn của sở.
Trong đó, các khoản thu theo quy định bao gồm: học phí, lệ phí; thu dạy thêm, học thêm; bảo hiểm y tế và các khoản thu khác do cấp có thẩm quyền quyết định hoặc có yêu cầu bằng văn bản. Riêng tiền gửi xe áp dụng theo quyết định của UBND tỉnh (xe đạp 11.000đ/tháng, xe đạp điện 22.000đ/tháng, xe máy 33.000đ/tháng. Học sinh học thêm tại trường, nhà trường không thu tiền gửi xe).
Sở GD - ĐT Quảng Bình yêu cầu phải công khai thu, chi trong các cơ sở giáo dục công lập. |
Các khoản thu theo thỏa thuận hoặc đóng góp tự nguyện, Sở GD-ĐT yêu cầu không được ép buộc cha mẹ học sinh nộp dưới bất kỳ hình thức nào, đặc biệt là các loại bảo hiểm thương mại, các khoản thu để hỗ trợ cơ sở vật chất cho nhà trường. Cha mẹ học sinh có quyền từ chối các khoản thu này nếu thấy không phù hợp hoặc không có khả năng đóng góp.
Đối với các khoản mua sắm sách, vở, tài liệu tham khảo, học cụ, đồng phục,... phục vụ các hoạt động giáo dục thực hiện theo Công văn số 912/SGDĐT-VP ngày 15/5/2017 của Sở GD-ĐT. Đối với trang phục học sinh học môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BGDĐT ngày 26/01/2018 của Bộ GD-ĐT.
Việc quản lý và sử dụng các khoản thu tại các cơ sở giáo dục phải bảo đảm dân chủ, công khai; thường xuyên niêm yết công khai để mọi người biết, giám sát thực hiện. Không tùy tiện lập các quỹ để ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện. Đồng thời phải thực hiện giãn thời gian thu, thời điểm thu các khoản thu để giảm gánh nặng đầu năm học cho người học và gia đình người học.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần làm tốt công tác vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện, nguyện vọng được đóng góp hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần cho đơn vị để xây dựng cơ sở vật chất và lập các quỹ như: quỹ khuyến học, quỹ học bổng... nhưng phải bảo đảm đúng nguyên tắc, quy định.
Cơ sở giáo dục không trực tiếp thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha, mẹ học sinh nhưng thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát Ban đại diện cha, mẹ học sinh thực hiện thu, chi phải bảo đảm dân chủ, công khai; không qui định các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha, mẹ học sinh. Ban Đại diện cha, mẹ học sinh phối hợp nhà trường kêu gọi vận động xã hội hóa giáo dục; tuyệt đối không được đứng ra quyên góp từ người học hoặc gia đình người học để thực hiện tăng trưởng cơ sở vật chất của nhà trường.
Sở GD-ĐT cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo, chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương để chi trả tiền hợp đồng bảo vệ trường và nhân viên nấu ăn trong các trường mầm non.