Quần đảo Hoàng Sa được mô tả trong cuốn sách cổ như thế nào?
Trả lời:
Bạn thân mến! Hoàng Sa, Trường Sa là một phần "máu thịt" không thể cắt rời của lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý để khẳng định điều này. Không chỉ có vậy, nguồn gốc và hoạt động thực thi chủ quyền của người Việt trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được ghi rõ trong sách sử. Sách "100 câu hỏi đáp về biển đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam" của Ban Tuyên giáo Trung ương cũng chỉ ra cuốn sách khá lâu đời mô tả chi tiết hoạt động thực thi chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.
Mô tả tại: Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (nguồn Báo Phú Yên) |
Cuốn sách Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư gồm 4 quyển, có một số bản đồ với những hàng chữ chú giải, do nho sinh họ Đỗ Bá, tên tự là Đạo Phủ (thường được gọi là Đỗ Bá Công Đạo) sưu tầm, biên soạn vào khoảng năm 1630 đến 1653, đã xác nhận rằng Chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa để quản lý và khai thác quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ XVII.
Trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (quyển 1) có đề cập đến Hoàng Sa như sau: “Ở làng Kim Hồ, trên hai bên bờ sông, có hai ngọn núi, mỗi ngọn đều có mỏ vàng được khai thác dưới sự kiểm soát của triều đình. Ở giữa biển, có một quần đảo dài 400 lý và rộng 200 lý có tên là “Bãi Cát Vàng” nhô lên từ đáy biển hướng về phía duyên hải giữa hai cảng Đại Chiêm và Sa Vinh. Vào mùa mưa tây - nam, các thương thuyền từ các quốc gia khác nhau qua lại gần bờ thường bị đắm ở các khu vực quần đảo này. Điều tương tự cũng xảy ra trong mùa mưa đông - bắc cho các thương thuyền qua lại trên vùng biển. Tất cả mọi người trên tàu bị đắm ở khu vực này thường bị chết đói. Nhiều loại thương thuyền khác nhau bị đắm trôi dạt vào đảo này. Mỗi năm trong suốt tháng cuối cùng của mùa đông, các Chúa nhà Nguyễn thường phái đến các đảo này một hạm đội gồm 18 tàu buồm để vớt các chiếc tàu đắm. Họ thu được rất nhiều vàng, bạc, tiền đúc, súng ống và đạn dược. Từ cảng Đại Chiêm phải mất một ngày rưỡi để đến quần đảo này, trong khi chỉ mất có một ngày nếu khởi đi từ Sa Kỳ”.
Mặc dù sự mô tả địa lý trong tác phẩm chưa thật chính xác so với thực tế nhưng cũng cho thấy rõ ràng Nhà nước Việt Nam thời xưa đã chiếm hữu, chính thức khai thác “Bãi cát vàng” (quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa). Như vậy là, Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá Công Đạo sưu tập, soạn vẽ và chính thức hoàn thành theo lệnh của chúa Trịnh những năm niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) có thể coi là văn kiện của nhà nước, một tài liệu chính thức của quốc gia. Những thông tin thể hiện trong bộ “đồ thư” này cho thấy rõ ràng cương giới xứ Đàng Trong do chúa Nguyễn quản lý từ cuối thế kỷ XVI đã mở rộng ra khu vực các quần đảo ở giữa Biển Đông. Tên gọi nôm na mà nhân dân xứ Đàng Trong đặt cho hai quần đảo san hô là “Bãi cát vàng”, rồi chuyển sang âm Hán Việt là “Hoàng Sa”, “Hoàng Sa chử” để sử dụng chính thức trong các văn kiện, tài liệu của triều đình thời Lê và Nguyễn, như trong Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam nhất thống toàn đồ, tên gọi này được dùng để chỉ chung cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngày nay.
Một đoạn mô tả về Hoàng Sa trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư:
Nguyên văn:
海中有一長沙名𡓁葛鐄約長四百里濶二十里卓立海中自大占海門至沙榮門每西南風則諸國商舶内行漂跋在此東北風外行亦漂跋在此並皆飢死貨物各置其處阮氏每年季冬月持船十八隻來此取貨多得金銀錢弊銃彈等物自大占門越海至此一日半自沙淇門至此半日其長沙處亦有玳瑁沙淇海門外有一山山上多產油木名油塲有巡 …
Phiên âm:
Hải trung hữu nhất Trường Sa, danh Bãi Cát Vàng ước trường tứ bách lý, khoát nhị thập lý, trác lập hải trung. Tự Đại Chiêm hải môn chí Sa Vinh môn, mỗi tây nam phong, tắc chư quốc thương bạc nội hành phiêu bạt tại thử, Đông Bắc phong, ngoại hành diệc phiêu bạt tại thử, tịnh giai cơ tử. Hóa vật các trí kỳ xứ. Nguyễn thị mỗi niên quý đông nguyệt trì thuyền thập bát chích, lai thử thủ hoá, đa đắc kim ngân tiền tệ súng đạn đẳng vật. Tự Đại Chiêm môn việt hải chí thử nhất nhật bán. Tự Sa Kỳ môn chí thử bán nhật. Kỳ trường sa xứ diệc hữu đại mạo. Sa Kỳ hải môn ngoại hữu nhất sơn, sơn thượng đa sản du mộc, danh du trường, hữu tuần…
Dịch nghĩa:
Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh mỗi lần có gió tây nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đây, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng Chạp đưa 18 chiếc thuyền đến đây lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc tiền tệ súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đây thì phải mất một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ đến đây thì phải nửa ngày. Chỗ bãi cát dài ấy cũng có đồi mồi. Ngoài cửa biển Sa Kỳ có một hòn núi, trên núi sản xuất phần nhiều là cây dầu, gọi là trường dầu, có đặt quan tuần sát…
(Nguồn Báo Phú Yên)