Phụ huynh lo mất kiểm soát khi học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học
Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học xuất phát từ thực tế giảng dạy, song cũng dấy lên những tranh luận, hoài nghi: Học sinh dùng điện thoại có đúng mục đích không? Giáo viên kiểm soát thế nào?
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 32 về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Một trong những điểm mới của Thông tư 32 là cho phép học sinh THCS, THPT dùng điện thoại di động trong giờ học nhưng chỉ phục vụ cho việc học tập và phải được giáo viên cho phép.
Tranh cãi việc học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học |
Ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: "Học trò được sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên".
Điều chỉnh mới này xuất phát từ thực tế có các tình huống học sinh cần sử dụng những tính năng của điện thoại thông minh vào việc thực hiện yêu cầu học tập, tìm kiếm tài liệu tham khảo ngay trong thời gian diễn ra giờ học.
Ngay sau khi quy định này được ban hành đã dấy lên tranh luận: Làm sao để kiểm soát việc cho học sinh dùng điện thoại tron giờ học phục vụ học tập hay các em lợi dụng việc này để chơi game, lướt mạng, chat, zalo tán gẫu?
Chị Nguyễn Thu Huyền – phụ huynh có con học tại THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Tôi lo ngại và không đồng tình với việc cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học dù với lí do phục vụ mục đích học tập.
Học sinh THCS, THPT với những đặc thù về lứa tuổi ham khám phá, chẳng điều gì có thể chắc chắn được là các con đùng điện thọai trong giờ học chỉ để phục vụ học tập. Rất có thể xảy ra việc học sinh dùng điện thoại thông minh để vào các trang web xem thông tin nguy hại.
Con trai tôi học lớp 8 nhưng ở nhà tôi cũng không cho con dùng điện thoại thông minh. Tôi phải quản lý rất sát sao việc con tham gia mạng xã hội để tránh tác động xấu, có thể ảnh hưởng đến con. Tôi không hiểu một lớp 50 học sinh với 50 cái điện thoại thì cô giáo kiểm soát làm sao?”.
Đồng tình với quan điểm trên, anh Nguyễn Ngọc Vũ – phụ huynh có con học tại THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết: “Việc sử dụng điện thoại trong lớp học dễ khiến con trẻ phân tán tư tưởng, mất tập trung bài học.
Mặt khác, học sinh sẽ nảy sinh lối suy nghĩ đua đòi theo các bạn trong lớp, muốn có điện thoại "xịn" hơn cho bằng bạn, bằng bè. Rồi ngày ngày bị mạng xã hội chiếm mất thời gian tập trung học hành. Việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học mà thiếu đi sự kiểm soát rất nguy hiểm.
Cho học sinh dùng điện thoại trong giờ dưới danh nghĩa tìm kiếm tài liệu, mỗi phụ huynh phải sắm cho mỗi học sinh một chiếc điện thoại thông minh rồi không kiểm soát được thì hệ lụy khôn lường.
Tôi nghĩ có nhiều cách để tìm kiếm tài liệu mà không nhất thiết phải cho các cháu còn quá nhỏ, chưa kiểm soát được hành vi, dùng điện thoại thông minh. Ví như có thể trang bị mỗi lớp có một tivi để cả lớp cùng xem hình ảnh, cùng tìm kiếm tài liệu hay bảng tương tác đặt tại lớp học dưới sự quản lý của giáo viên”.
Nhiều phụ huynh cũng cho rằng, việc cho học sinh học tập với các loại máy móc hiện đại, trong đó có máy tính, máy tính bảng hay điện thoại thông minh, là một nhu cầu tất yếu của giáo dục hiện nay. Nhưng không nhất thiết phải cho học sinh mang điện thoại vào lớp mới có thể áp dụng được các hình thức dạy học hiện đại.
Điều lệ cũng bổ sung nội dung theo quy định mới của Luật Giáo dục 2019: học sinh học hết chương trình THPT, đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD-ĐT thì được dự thi tốt nghiệp và nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc Sở GD-ĐT cấp bằng tốt nghiệp THPT.
Học sinh học hết chương trình THPT, đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ GD-ĐT nhưng không dự thi tốt nghiệp hoặc thi tốt nghiệp không đạt yêu cầu thì được Hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Điều 37 Điều lệ này quy định rõ các hành vi học sinh không được làm như sau: Học sinh không được xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.
Hành vi gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh, mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ cũng bị cấm.
Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập khi không được giáo viên cho phép.
Những điều học sinh không được làm còn bao gồm: đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng, sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy, đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.
Hoàng Thanh