Phụ huynh cần đặt ra những “quy tắc” để bảo vệ con trên không gian mạng
Không thể phủ nhận internet đã mang lại cơ hội học tập và giáo dục cho trẻ em, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, trên môi trường “phẳng” này, nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em ngày càng gia tăng.
Làm sao để bảo vệ trẻ trên không gian mạng là vấn đề mà nhiều phụ huynh quan tâm. Theo các chuyên gia giáo dục thì về phương diện nhà trường, việc giới thiệu với học sinh những phương tiện tiếp cận và khai thác thông tin là rất nên làm.
Tuy nhiên, chúng ta nên hướng dẫn trẻ tiếp cận các nguồn thông tin chính thống và được kiểm chứng trước khi cho trẻ tiếp cận những nguồn thông tin "trôi nổi" trên không gian mạng.
Ngoài ra, trước khi cho trẻ tiếp cận các thiết bị điện tử, nhà trường nên giáo dục trẻ về ý thức sử dụng mạng thông minh và lịch sự, cách chọn lọc và phân tích thông tin, xác định rõ thông tin nào là chính thống và đáng tin cậy, tìm hiểu các quy định của pháp luật trong việc sử dụng mạng xã hội, cách thể hiện ý kiến một cách văn hoá.
Cùng với đó, chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở học sinh nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng vào tiết Sinh hoạt và Hoạt động ngoài giờ lên lớp. Kịp thời trao đổi với phụ huynh học sinh về tình hình của con khi có biểu hiện không bình thường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức các buổi ngoại khóa để trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết trong thời đại số, qua đó để lồng ghép nhắc nhở các em về nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng.
Để bảo vệ học sinh trên không gian mạng, phụ huynh có thể trang bị cho học sinh kĩ năng bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng xã hội: Để bảo vệ con trên môi trường trực tuyến, chính các bậc cha mẹ cũng nên biết cách bảo vệ quyền riêng tư của mình và hướng dẫn con những cách đơn giản và hiệu quả để kiểm soát thông tin cá nhân.
Ảnh minh họa |
Sử dụng mật khẩu mạnh và bảo mật hai lớp cho tài khoản trực tuyến của cả cha mẹ và con là những cách đơn giản nhất để bắt đầu kiểm soát thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, con nên ẩn thông tin cá nhân, không gặp gỡ người lạ trên mạng xã hội, không dùng chung password. Chỉ nên đăng những nội dung và bức ảnh hoàn toàn vô hại không quá gây chú ý của mọi người.
Trên Facebook, cha mẹ có thể chỉ dẫn con cách kiểm soát những gì con nhìn thấy trên bảng tin bằng cách click vào dấu ba chấm phía trên bên phải của bất cứ bài đăng nào. Nếu con không muốn thấy một bài đăng xuất hiện nữa, con có thể ẩn nó đi. Hoặc nếu con không muốn thấy bài đăng từ một người nào đó, con có thể bỏ theo dõi hoặc tạm ẩn họ. Con cũng có thể phản hồi hoặc báo cáo một bài đăng mà con thấy có nội dung bắt nạt.
Ngoài ra, bố mẹ có thể thống nhất về thời gian sử dụng mạng internet: Trẻ em thường không quản lý được thời gian của mình, vì thế, cha mẹ cần giúp trẻ xây dựng kế hoạch quản lý thời gian. Trẻ có thể đề xuất thời gian mà mình muốn nhưng cần hợp lý, sau khi đã hoàn thành các công việc khác và đảm bảo không ảnh hưởng tới bản thân và các thành viên trong gia đình.
Ngoài việc dạy con có trách nhiệm trên môi trường trực tuyến, các bậc cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ đầu tư nhiều vào trải nghiệm thực tế như có thể chia sẻ để trẻ hiểu rằng, mạng xã hội là thế giới ảo. Trẻ cũng có thể thực hiện rất nhiều hoạt động ý nghĩa khác như tham gia các hoạt động xã hội.
Từ đó, các em sẽ có nhận thức rõ ràng về bản thân, đồng thời xây dựng được các mối quan hệ lành mạnh với người khác trong xã hội, rèn luyện tính tự lập, có những cảm xúc, trải nghiệm thú vị từ những trải nghiệm thực tế. Kĩ năng sống của trẻ cần được xây dựng dần dần và bằng nhiều hình thức khác nhau.
Ngoài ra, phụ huynh cũng lưu ý cho trẻ sử dụng internet theo quy tắc của mình như trước tiên, cha mẹ cần có một cuộc thảo luận cởi mở với trẻ về những quy định mà trẻ phải thực hiện khi dùng điện thoại, máy tính vào mạng internet. Cần hạn chế tối đa và chỉ cho phép trẻ sử dụng internet một số giờ nhất định vào buổi tối, sau khi hoàn thành việc học.
Không cho trẻ có máy tính trong phòng riêng: Cần đặt máy tính, laptop ở nơi mà cha mẹ có thể dễ dàng quan sát con. Như vậy, trẻ sẽ không có cơ hội vào các trang web đen thiếu lành mạnh và cha mẹ có thể kiểm soát được nội dung truy cập của con.
Kiểm soát những gì trẻ đăng tải trên mạng xã hội: Cha mẹ cần dạy con không nên kết bạn một cách tùy tiện. Đồng thời, phải biết con muốn chia sẻ hình ảnh gì với bạn bè và phân tích cho con nếu đưa những nội dung như hình ảnh cá nhân có tính chất riêng tư, địa chỉ, điện thoại gia đình, trường, lớp của con… lên các trang mạng xã hội thì sẽ gặp những nguy hiểm tiềm ẩn như thế nào.
Hoàng Thanh