Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham dự cuộc họp của LHQ về vắc-xin Covid-19
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự phiên họp trực tuyến đặc biệt ngày 17/2 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về hoạt động phân phối công bằng vắc-xin Covid-19.
Phát biểu khai mạc trong phiên họp trực tuyến đặc biệt ngày 17/2 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về hoạt động phân phối công bằng vắc-xin Covid-19, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo cho tới nay mới chỉ 10 quốc gia sở hữu 75% số liều vắc-xin COVID-19 hiện có của thế giới và 130 nước vẫn chưa có vắc-xin.
Ông Guterres đã nhấn mạnh tới việc thành lập một lực lượng chuyên trách về tài chính và triển khai chương trình tiêm vắc-xin COVID-19 toàn cầu, mà trong đó các nền kinh tế nhóm G20 ở vị trí phù hợp nhất để triển khai.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres. (Ảnh: AP) |
“Việc triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 đang tạo ra hy vọng. Vào thời điểm hiện tại, phân bổ vắc-xin công bằng là phép thử đạo đức lớn nhất cho cộng đồng quốc tế”, ông Guterres nói trong cuộc họp trực tuyến với 15 thành viên thuộc Hội đồng Bảo an LHQ.
Cuộc họp vào ngày 17/2 được tổ chức nhằm thảo luận về vai trò của Hội đồng Bảo an, các quốc gia thành viên và LHQ nhằm đảm bảo vắc-xin Covid-19 được phân bổ công bằng tới cả những nơi xảy ra giao tranh và bất ổn an ninh.
Tổng thư ký LHQ Guterres cho rằng, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới khi cướp đi mạng sống, phá hủy nền kinh tế, cũng như ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Tất cả những yếu tố này tạo ra sự bất ổn và cản trở nỗ lực của toàn cầu trong việc thực thi Nghị quyết 2532 của Hội đồng Bảo an về ngăn chặn và giải quyết xung đột.
Liên quan tới báo cáo mới chỉ 10 quốc gia sở hữu 75% số liều vắc-xin Covid-19 hiện có của thế giới và 130 nước vẫn chưa có vắc-xin, ông Guterres nhấn mạnh, "Nếu virus được phép lây lan như cháy rừng ở nam bán cầu, nó sẽ lại tiếp tục biến đổi gen. Các chủng biến thể virus mới có thể trở nên dễ lây nhiễm hơn, dễ gây tử vong hơn, và tiềm ẩn nguy cơ đe dọa hiệu quả các vắc xin hiện có cũng như các phương pháp chẩn đoán bệnh. Điều này có thể kéo dài nghiêm trọng đại dịch, khiến virus có thể trở lại gây tai họa cho khu vực Bắc bán cầu”.
Về việc xây dựng Cơ chế COVAX, một trong những công cụ để thế giới phân phối vắc-xin Covid-19 cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, ông Guterres cho biết thế giới đang cần gấp rút một kế hoạch tiêm vắc-xin toàn cầu để đưa các bên có tiềm lực, chuyên môn khoa học, khả năng sản xuất và tài chính xích lại với nhau.
"Chúng ta phải đảm bảo để mọi người, mọi nơi có thể được tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt", ông Guterres nhấn mạnh.
Hơn 180 quốc gia đã tham gia Covax, chương trình hợp tác toàn cầu với các nhà sản xuất nhằm đảm bảo phân phối vắc-xin công bằng trên thế giới.
Tham dự cuộc họp, đại diện các nước cho biết việc phổ cập vắc-xin Covid-19 an toàn và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế sự lây lan của đại dịch và hạn chế những tổn thất về kinh tế, sức khỏe, giáo dục; kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo không ai bị bỏ lại trong chiến dịch tiêm chủng.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần hợp tác triển khai hiệu quả một chiến lược ứng phó đại dịch và tiêm chủng hiệu quả.
Phó Thủ tướng nhận định cần coi vắc-xin là tài sản chung của cả cộng đồng quốc tế, bảo đảm tiếp cận vắc-xin với giá cả phù hợp cho tất cả các nước và ưu tiên cho nhóm dân số có nguy cơ lây nhiễm cao và tuyến đầu chống dịch; kêu gọi các nước tăng cường đóng góp cho Cơ chế COVAX để có thể phân phối vắc-xin rộng rãi tới các nước đang phát triển và người dân trong khu vực xung đột. Đồng thời, việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu là yếu tố then chốt để tạo điều kiện cho việc phổ cập vắc-xin.
Phó Thủ tướng kêu gọi Hội đồng Bảo an tăng cường thực hiện Nghị quyết 2532, nhất là kêu gọi ngừng bắn toàn cầu, coi đây là những điều kiện tiên quyết cho LHQ và các bên liên quan phân phối vắc-xin trên thực địa vì mục đích nhân đạo. Cộng đồng quốc tế cần giải quyết tận gốc các nguyên nhân dẫn đến xung đột, bất ổn, bất bình đẳng và bất công; tham gia vào các nỗ lực đa phương toàn cầu do LHQ dẫn dắt để xây dựng hệ thống y tế mạnh và tự cường, thúc đẩy hợp tác phát triển, thương mại và kinh tế toàn cầu sau đại dịch.
Phó Thủ tướng khẳng định LHQ cần là trung tâm trong những nỗ lực trên và các cơ quan cùng tổ chức khu vực đóng vai trò trọng tâm.
Minh Thu