Phát huy 10 chữ Vàng, viết tiếp trang sử mới
Phát huy truyền thống 10 chữ Vàng
77 năm qua, phát huy truyền thống 10 chữ Vàng: “Trung thành – Dũng cảm – Tận tụy – Sáng tạo – Nghĩa tình”, các thế hệ ngành Thông tin và Truyền thông đã liên tục kế thừa quá khứ và mở ra tương lai để tạo thành một dòng chảy liên tục.
Ở độ tuổi 90, ông Nguyễn Tăng Liêm, nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành Bưu điện Việt Nam vẫn nhớ như in những kỷ niệm về ngành Bưu điện trong thời kỳ chiến tranh.
Nếu ông không kể thì rất ít người biết đã có một ATK thứ hai do ngành Bưu điện xây dựng. Cũng rất ít người biết ngành Bưu điện đã được bí mật giao nhiệm vụ xây dựng khu căn cứ vừa để chống chiến tranh phá hoại, vừa chống chiến tranh cục bộ. Hoặc ngành Bưu điện phải đảm nhận trọng trách về mạng lưới thông tin liên lạc ở Cao Bằng, Lạng Sơn trong Chiến tranh Biên giới năm 1979.
“Mong rằng chúng ta không quên ngành Bưu điện đã rất gắn bó với Đảng, với cách mạng, khi đất nước lâm nguy”, ông Liêm bày tỏ.
Tự hào là một trong những người thuộc thế hệ xây dựng nền móng cho ngành Thông tin và Truyền thông, bà Đoàn Thị Đấu, nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn Bưu điện Việt Nam kể: “Trong quá trình xây dựng ngành, ngoài khả năng làm công việc chuyên môn, chúng tôi còn có chất liệu mềm là tinh thần yêu nước, khát khao được đi học, được cống hiến, khao khát muốn được vươn lên để đất nước mình sánh vai với các nước. Chúng tôi xây dựng cơ sở nền móng bằng cả bàn tay, khối óc và con tim. Nền móng ấy vô cùng vững chãi”.
Tri ân những liệt sỹ của ngành Thông tin và Truyền thông, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Phan Khắc Hải chia sẻ: “Chúng tôi đã rất xúc động khi đứng trước tượng đài giao liên ở Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên (Tây Ninh). Không có giao liên thì bộ đội không thể nào vượt qua hàng rào McNamara. Không có giao liên, liên lạc thì không có chiến thắng”.
Ông Hải đề nghị ngành Thông tin và Truyền thông quan tâm tôn tạo di tích này, để thể hiện lòng thành kính, tri ân với những người đã ngã xuống, và để nơi đây sẽ là một địa chỉ giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông Đỗ Trung Tá đánh giá cao việc ngành Thông tin và Truyền thông vẫn luôn duy trì và phát huy truyền thống 10 chữ Vàng. Một trong những thành tựu đáng chú ý nhất gần đây là đã kích hoạt được cả nước theo ngành Thông tin và Truyền thông, ai ai cũng nói về chuyển đổi số.
“Chúc ngành Thông tin và Truyền thông luôn phát triển, lớp nọ kế tiếp lớp kia, luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông bày tỏ.
Nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam Nguyễn Bá cũng chia sẻ niềm vui và niềm tự hào khi chứng kiến những bước đi ngày một vững chắc hơn của Bộ trong thời gian qua.
“Ngành Thông tin và Truyền thông đã có những bước chuyển mình mới, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với không chỉ riêng những cán bộ đương chức mà còn là niềm vui đối với các cán bộ hưu trí như chúng tôi”, ông Nguyễn Bá nói.
Viết tiếp trang sử mới
Trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước và trong sự nghiệp đổi mới, các thế hệ những người làm báo chí, xuất bản, bưu điện…, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, đều không ngại gian khó, hy sinh, hết mình vì nhiệm vụ.
“Truyền thống, văn hóa của ngành như bộ gen được di truyền, để từ đó mỗi thế hệ đều viết nên câu chuyện của mình, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp của ngành, cho cách mạng”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Tiên phong đi đầu và 10 chữ Vàng “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” là những giá trị cốt lõi của ngành Thông tin và Truyền thông. Càng muốn đi xa càng phải giữ cái gốc của mình.
Nối tiếp truyền thống, 10 chữ Vàng của ngành bây giờ đã được bổ sung thêm nội hàm mới: "Trung thành" với sự nghiệp đổi mới của Đảng, trung thành với sự nghiệp sánh vai cường quốc năm châu; "Dũng cảm" dấn thân, tiên phong, đi đầu vào những vùng đất mới, đó là phát triển xanh và chuyển đổi số; "Tận tuỵ" là làm việc có trách nhiệm, làm đến nơi, ra kết quả; "Sáng tạo" chính là chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và gọi là đổi mới lần hai (đổi mới lần đầu của ngành là vào năm 1986); "Nghĩa tình" là biết ơn, tri ân quá khứ và không quên bất kỳ ai đã làm việc trong ngành.
Các cuộc cách mạng công nghiệp đã làm cho ngành Thông tin và Truyền thông ngày càng mở rộng hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba với đại diện là máy tính, công nghệ thông tin, đã trở thành một trong những lĩnh vực được giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ số cũng được giao nhiệm vụ quản lý cho Bộ, cho ngành Thông tin và Truyền thông.
Trong Nghị định mới về chức năng nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành mới đây, Bộ chính thức được giao sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, xây dựng một Việt Nam số.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành Thông tin và Truyền thông đã chứng minh mình trở thành ngành quan trọng. Một đất nước muốn hoá rồng, hoá hổ thì phải dựa chủ yếu trên sức mạnh tinh thần. Sứ mệnh tạo nên sức mạnh tinh thần đó nằm ở ngành Thông tin và Truyền thông, trong các lĩnh vực báo chí, xuất bản.
Cùng với đó, đất nước muốn phát triển thì cũng phải dựa trên sức mạnh vật chất. Và sức mạnh vật chất hiện nay chủ yếu là công nghệ, cũng thuộc sự quản lý của ngành Thông tin và Truyền thông.
Tạo ra sức mạnh tinh thần và sức mạnh vật chất là "đôi cánh", là sứ mệnh của ngành Thông tin và Truyền thông đưa đất nước Việt Nam hùng cường.
Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh, định hướng phát triển Việt Nam, kinh tế Việt Nam là dựa trên chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, trong đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế số cũng đã được giao cho ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là một trọng trách lớn. Bởi phát triển kinh tế số sẽ góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.
“Trong chặng đường phát triển của mình, từ cả những thành công và thất bại, chúng ta đã rút ra được những bài học sâu sắc để cùng nhau hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của ngành. Sự bứt phá vươn lên của ngành Thông tin và Truyền thông những năm gần đây đã minh chứng cho khả năng phát huy truyền thống, vượt qua khó khăn, vấp ngã, để cùng viết lên trang sử mới vẻ vang hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Ngọc Mai