Phẫn nộ trước clip nữ sinh Ninh Bình đánh nhau trong tiếng cổ vũ lột đồ
Trên mạng xã hội đang lan truyền clip ghi lại cảnh hai nữ sinh lao vào đánh nhau trong tiếng hò reo của bạn bè. Thậm chí, một số người còn cổ vũ hai nữ sinh này lột đồ của nhau.
Ngay sau khi clip nữ sinh đánh nhau được đăng lên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra vô cùng bức xúc trước hành động của 2 nữ sinh cũng như hành động và thái độ của các học sinh xung quanh.
Được biết, sự việc này xảy ra tại địa bàn xã Yên Mạc (Yên Mô, Ninh Bình). Các nữ sinh đánh nhau trong clip là học sinh trường THCS Vũ Phạm Khải.
Ảnh cắt từ clip nữ sinh đánh nhau lan truyền trên mạng xã hội |
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, UBND xã Yên Mạc đã tiến hành xác minh các đối tượng liên quan xuất hiện trong clip nói trên.
Liên quan đến vụ việc, bà Lê Thị Duyên - Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Yên Mô (Ninh Bình) cho biết đơn vị đã yêu cầu Trường THCS Vũ Phạm Khải xác minh, làm rõ sự việc.
“Sáng nay (22/4) chúng tôi sẽ tiến hành làm việc với nhà trường, địa phương, gia đình và các học sinh liên quan đến clip đánh nhau. Theo báo cáo của hiệu trưởng nhà trường thì hai học sinh này đánh nhau do mâu thuẫn từ trước.
Chúng tôi sẽ điều tra, làm rõ và xử lý trên cơ sở răn đe học sinh một cách nghiêm khắc”, bà Duyên cho hay.
Vụ việc này một lần nữa là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các cơ sở giáo dục trong việc định hướng, giáo dục học sinh về bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường một cách thực tiễn nhất.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội) thì chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận là ý tưởng xây dựng bộ quy tắc ứng xử học đường là tốt, bộ quy tắc được đưa xuống giới thiệu cho các cơ sở giáo dục là điều rất cần thiết, nhưng vấn đề là ở cơ sở, bộ quy tắc này được triển khai thế nào thì chưa ai nhắc đến.
“Một thực tế là hiện nay đa phần các cơ sở giáo dục mới chỉ để bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường ở giai đoạn văn bản, cất ở ngăn bàn và không có cơ chế gì khuyến khích người ta thực hiện, cũng không có đánh giá tổng kết hay rút kinh nghiệm.
Xây dựng một mô hình thì dễ nhưng triển khai thế nào ở cơ sở giáo dục để phát huy hiệu quả mới là vấn đề đáng nói.
Hiện nay, chúng ta chưa trả lời được câu hỏi: Vì sao có mô hình tốt nhưng chưa triển khai được? Phải khuyến khích ra sao để nó trở thành hành động tự giác của bản thân mỗi học sinh, giáo viên?
Quan trọng nhất là vai trò của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Dù có bao nhiêu chủ trương tốt nhưng nếu nhà trường không có kế hoạch triển khai, không ghi nhận, tổng kết thì chưa thể nào đi vào cuộc sống”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Theo Sở GD&ĐT Ninh Bình, để triển khai có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử học đường bản thân người thầy phải mô phạm, đức độ, mẫu mực trong hành vi, đối với đồng nghiệp phải khiêm tốn, đoàn kết, nhân ái, đối với học trò phải hết lòng thương yêu, chỉ bảo, đối với người khác phải giản dị, mẫu mực, đối với công việc phải tận tụy, có kỷ luật, sáng tạo, phải giữ gìn sự trong sạch của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
Học sinh phải trung thực, cầu tiến, giản dị, khiêm tốn, đối với thầy cô giáo phải kính trọng, biết ơn, đối với bạn bè phải đoàn kết, thân ái, phải biết kính trên, nhường dưới. Môi trường giáo dục là nơi đào tạo những lớp người có tri thức để phục vụ xã hội.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Ninh Bình thì môi trường giáo dục lành mạnh, ứng xử với nhau có văn hóa là điều kiện tiên quyết để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt có tài đức vẹn toàn.
Nhận định việc xây dựng văn hóa ứng xử trong các trường học là một hoạt động giáo dục hệ giá trị, các chuẩn mực văn hoá giúp cho các thành viên trong nhà trường có nhận thức đúng, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp, thực hiện văn hóa ứng xử lành mạnh, xây dựng cơ sở để đảm bảo chất lượng giáo dục của nhà trường nên thời gian qua các cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng đã chú trọng tuyên truyền hành động đẹp, tích hợp nội dung bộ quy tắc ứng xử vào chương trình giảng dạy chính khóa.
Hoàng Thanh