Phan Đăng Lưu: “Chất Nghệ” người cộng sản kiên trung
Con nhà nho giàu lòng yêu nước
Nếu ai đã từng đọc cuốn Bàn về đạo Nho của Nguyễn Khắc Viện hẳn sẽ hiểu khí chất của các nhà nho không ra làm quan mà ở nhà dạy học, bốc thuốc hay dấn thân làm cách mạng. Phan Đăng Lưu – một người cộng sản kiên trung, một người con xứ Nghệ - cũng là người như thế.Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhà cách mạng Phan Đăng Lưu (5/5/1902-5/5/2022), ngày 25/4, tại thành phố Vinh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An”; dâng hoa tưởng niệm nhà cách mạng Phan Đăng Lưu tại huyện Yên Thành (Nghệ An).
Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902, tại thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), trong một gia đình nhà Nho giàu truyền thống ưu nước. Năm 1925, ông tham gia phong trào đấu tranh và được kết nạp vào Hội Phục Việt, tổ chức sau này là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn - một trong ba tổ chức để hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 tại Hồng Kông (Trung Quốc).
Dù chỉ hưởng dương 39 tuổi đời, nhưng Phan Đăng Lưu có tới 16 năm hoạt động cách mạng liên tục. Ông đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, để lại hình ảnh cao đẹp của một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Bình luận về sự nghiệp của ông, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Nhờ kế thừa truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất của quê hương Nghệ An và dòng dõi gia đình Nho giáo; chứng kiến nỗi cực khổ, lầm than của người dân dưới ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, Phan Đăng lưu đã sớm hình thành ý chí cứu nước, cứu dân.
“Hai lần bị thực dân Pháp bắt giam và dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt, dụ dỗ, tra tấn dã man. Khi bị kết án khổ sai đày lên nhà tù Buôn Ma Thuột, ông đã được chi bộ Đảng ở đây kết nạp vào Đảng và tham gia ban lãnh đạo nhà tù. Dù thân trong lao nhưng tinh thần ở ngoài lao, những ngày tháng trong tù Phan Đăng Lưu vẫn hoạt động cách mạng hết sức sôi nổi. Cả 2 lần bị bắt, ông luôn giữ vững được khí tiết của người cộng sản, trở thành tấm gương sáng về ý chí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Với tinh thần “Còn sống còn chiến đấu, còn hơi thở, còn xây dựng Đảng”, Phan Đăng Lưu chính là một trong những tấm gương sáng để các thế hệ đảng viên noi theo” - Nguyễn Xuân Thắng kết luận.
Người con ưu tú của quê hương Nghệ An
Tổng kết lịch sử Việt Nam giai đoạn những năm 1930-1945, khi những người dấn thân làm cách mạng và nhất là những người con xứ Nghệ, họ đều có một đặc điểm chung giàu lòng yêu nước, đậm chất Nho giáo và khi hoạt động thì sẵn sàng dấn thân, chấp nhận hy sinh. Phan Đăng Lưu cũng là con người như vậy khi sinh ra và lớn lên ở một miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, bất khuất của dân tộc.
Tự hào về thế hệ tiền bối, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý chia sẻ: “Đối với quê hương, mặc dù thời gian hoạt động ở Nghệ An không nhiều, nhưng đồng chí Phan Đăng Lưu đã có những đóng góp rất quan trọng cho phong trào cách mạng của quê nhà, nhất là việc tiếp tục xây dựng, củng cố cơ sở cách mạng, làm tiền đề cho thắng lợi về sau. Đặc biệt, với phong trào cách mạng Việt Nam giai đoạn 1939-1941, Phan Đăng Lưu chính là một trong những người hoạt động sôi nổi nhất xứng đáng với truyền thống những người con xứ Nghệ…
Ngày nay, để tưởng nhớ công ơn và sự hy sinh to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu, Đảng và Nhà nước cùng nhân dân đã lấy tên ông đặt cho các công trình tiêu biểu như đường phố, trường học không chỉ ở Nghệ An mà khắp cả nước.
Hải Việt