Nỗ lực bảo vệ con trẻ trên “không gian ảo”
Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, không được đến trường học trực tiếp nhưng vẫn phải đảm bảo việc học được liên tục thông qua các ứng dụng mạng thì trẻ có điều kiện và thời gian truy cập thường xuyên hơn tại gia đình.
Theo một khảo sát do Viện Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SCI) thực hiện năm 2020, cứ 3 trẻ em thì 2 trẻ có thiết bị kết nối internet. Trẻ em tiếp cận internet nhiều nhất qua các phương tiện: điện thoại thông minh, máy tính ở nhà, điện thoại di dộng của người thân, quán internet…
Rõ ràng, trong thời đại 4.0, với khối lượng thông tin khổng lồ trẻ cần khám phá thì vấn đề đặt ra là cần trang bị cho trẻ em nhận thức về các nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng, kỹ năng tự bảo vệ mình và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác để trẻ vừa có cơ hội tiếp cận với thế giới thông tin rộng lớn, vừa đảm bảo an toàn trên môi trường mạng.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh những nỗ lực từ các nền tảng trực tuyến, Việt Nam cũng đã có nhiều giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em trước những cám dỗ trên không gian mạng. Mới nhất, tháng 6/2021, chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” đã chính thức được Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là chương trình quốc gia đầu tiên của Việt Nam nhằm bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên internet.
Chương trình này đã được UNICEF đánh giá là một thành tựu quan trọng trong nỗ lực bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, bóc lột và xâm hại trên internet cũng như hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh và an toàn trên môi trường mạng.
Trước đó, tháng 5/2021, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có kế hoạch ra mắt Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó, một trong những nhiệm vụ chính của Mạng lưới là thu thập, tiếp nhận, phân loại các phản ánh về nội dung xấu độc, không phù hợp lứa tuổi để chuyển các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý.
Một số giải pháp mang tính công nghệ cao sẽ được triển khai như: thiết lập Hệ thống tích hợp thông tin và quy trình tự động tiếp nhận phản ánh về nội dung không phù hợp, hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng công cụ phân tích hình ảnh, video clip để tìm các nội dung mà trong đó trẻ em là đối tượng bị xâm hại tình dục, phát hiện sớm và yêu cầu đơn vị liên quan gỡ bỏ…
Ngoài ra, việc phụ huynh cũng cần đồng hành với trẻ là vô cùng quan trọng, dạy cho trẻ biết cách ứng xử phù hợp với những thách thức trên internet để trẻ vừa có cơ hội tiếp cận với thế giới thông tin rộng lớn, vừa đảm bảo an toàn trên môi trường mạng.
Hoàng Thanh