Thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao ở Quảng Trị
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho biết, đến cuối tháng 9/2022, phương thức chuyển tiền qua các kênh Mobile Banking, Internet Banking, QRCode, POS, ATM đạt hơn 11,6 triệu món, tăng 40% về số lượng và 85% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, số lượng giao dịch qua kênh thanh toán Mobile Banking chiếm tỉ trọng cao nhất với 7.997.498 món (đạt 93.441,8 tỉ đồng) và có xu hướng ngày càng tăng do thanh toán qua Mobile Banking thuận tiện, nhanh chóng và an toàn.
Hiện toàn tỉnh có 113 ATM, tăng 8,65% so với cuối năm 2021; 542 POS, tăng 1,49% so với cuối năm 2021. Ngoài ra còn có hơn 3.808 điểm chấp nhận thanh toán qua QRCode được đặt tại các cơ sở/chuỗi phân phối, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học... đã tạo thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận các phương tiện thanh toán và sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Đức Đồng, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị, có được kết quả trên là nhờ trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đó, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đầu tư mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch; nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi cho khách hàng thông qua việc phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô mạng lưới máy ATM, POS….
Đồng thời đa dạng hóa phương thức thanh toán thông qua tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn khách hàng và người dân thực hiện thanh toán qua mã QR (QRCode) như VietQR, QRPay…
Đặc biệt là hệ thống ngân hàng đã chủ động tiếp cận với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để mở rộng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trả lương cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động qua tài khoản ngân hàng; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng đối với người thu nhập thấp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa; phối hợp với Kho bạc Nhà nước và các tổ chức liên quan thực hiện việc trả lương qua tài khoản.
Đến nay, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Quảng Trị ngày càng tăng ở tất cả các lĩnh vực.
Trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả chương trình an sinh xã hội được UBND tỉnh Quảng Trị xây dựng kế hoạch và triển khai mạnh.
Theo đó, NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công nói riêng.
Tính đến nay, 100% đơn vị đã kê khai đăng ký sử dụng nộp thuế của ngành thuế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thanh toán điện tử.
Có những dịch vụ công thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đạt tỉ lệ tương đối cao như tiền điện, bảo hiểm và trợ cấp xã hội.
Theo ông Nguyễn Đăng Phi, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị), để thúc đẩy mạnh việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, thời gian qua PC Quảng Trị đã đa dạng hóa dịch vụ thanh toán tiền điện. Hiện nay PC Quảng Trị đang hợp tác với 7 ngân hàng trên địa bàn gồm: Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, Sacombank, MBBank, LienVietPostBank và 6 tổ chức trung gian thanh toán là Viettel, VNPT Media, Bưu điện tỉnh Quảng Trị, VNPay, Payoo và Airpay trong việc thanh toán hóa đơn tiền điện mà không dùng tiền mặt.
Hiện nay, khách hàng sử dụng điện đã có thể thực hiện thanh toán tiền điện trực tuyến qua nhiều kênh như: trích nợ tự động qua ngân hàng, ứng dụng Internet banking của các ngân hàng, ví điện tử của các tổ chức trung gian như ViettelPay, VNPT, VNPay, MoMo, AirPay, Payoo…
Điều này phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng bận rộn và thường không có thời gian đóng tiền điện vào khung giờ hành chính. Đây cũng là phương thức thanh toán hiện đại, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian đi lại, bên cạnh đó còn giúp ngành điện tối ưu hóa nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tạo ra sự minh bạch và chống thất thu thuế cho Nhà nước.
Cụ thể là hết tháng 8/2021, gần 62% khách hàng PC Quảng Trị chọn phương thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt với gần 83% doanh thu tiền điện.
Nhiều người dân cho biết, từ ngày ngành điện triển khai thu tiền điện không dùng tiền mặt thì thuận lợi hơn rất nhiều. Mỗi tháng, sau khi có thông báo về lượng điện tiêu thụ và số tiền phải nộp, chỉ cần sử dụng ứng dụng ví điện tử trên điện thoại là có thể thanh toán ngay tiền điện, vừa nhanh gọn, an toàn mà không phải mất nhiều thời gian đi đóng tiền điện trực tiếp.
Đối với ngành giáo dục, từ khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch về thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, tháng 6/2022, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch về thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh với mục tiêu 100% các trường học, cơ sở giáo dục phải đảm bảo các điều kiện và chấp nhận thanh toán học phí, phí, lệ phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Không chỉ ngành điện, nước, các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đều được triển khai rộng ở các lĩnh vực khác, trong đó phải kể đến mô hình chợ công nghệ, chợ 4.0.
Vào giữa tháng 3/2022, chợ đầu tiền ở Quảng Trị triển khai áp dụng mô hình chợ 4.0, không dùng tiền mặt đó là chợ Đông Hà.
Theo đó, người dân đi chợ Đông Hà chỉ cần mang theo chiếc điện thoại thông minh là có thể thanh toán được tất cả các mặt hàng tại chợ, từ mớ rau, thịt, cá…
Hải Yến