Niềm vui của một giám đốc hợp tác xã sản xuất rau củ an toàn ở Bắc Ninh
Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả nông sản an toàn Liên Ấp (xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) hiện nay đã trở thành "điểm sáng" trong sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh. Để đạt được thành quả đó không thể không kể tới công sức của Giám đốc hợp tác xã là ông Nguyễn Văn Hiệp.
Theo chia sẻ của ông Hiệp, năm 2011, ông đã tập hợp các gia đình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap để thành lập Tổ sản xuất rau an toàn thôn Liên Ấp. Ông làm tổ trưởng của tổ sản xuất, trực tiếp điều hành từ khâu mua giống, gieo trồng, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, kiểm tra nhật ký trồng trọt đến kết nối tiêu thụ. Nhờ vận hành trơn tru mà tổ sản xuất đã tìm được đầu ra cho hàng trăm tấn rau của người nông dân.
Tới năm 2018, ông Hiệp tiếp tục vận động các thành viên góp đất, vốn, hoàn thiện các thủ tục liên quan để thành lập Hợp tác sản xuất rau, củ, quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp do ông làm Giám đốc. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại Bắc Ninh.
Chia sẻ với Infonet, ông Hiệp cho hay: “Tôi đứng ra vận động người dân tự góp ruộng, bao nhiêu cũng được. Họ được làm trên mảnh ruộng họ góp với mình, họ có trách nhiệm, sở trường gì thì họ trồng loại nông sản ấy. Những hộ dân sở trường trồng rau thì trồng rau, thích trồng cà thì trồng cà chứ phía hợp tác xã không ép là phải trồng giống nào.
Điều khó nhất là làm sao để vận động hội viên, nông dân trong thôn thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để chuyển từ trồng rau truyền thống sang trồng rau an toàn và phải có cam kết với khách hàng.
Thời gian đầu, nhiều người dân cũng hoài nghi về hiệu quả kinh tế, nhất là việc phải ghi chép nhật ký chăm sóc rau màu khiến người dân lâu nay trồng rau theo thói quen, kinh nghiệm cảm thấy khá phiền phức. Cũng may, thời gian sau đó, mọi người thấy hiệu quả nên cũng bắt nhịp rất nhanh và học hỏi để làm theo”.
Mô hình mới của Hợp tác xã thôn Liên Ấp hoạt động cho đến giờ đã hoạt động được 5 năm với hơn 150 thành viên hộ gia đình.
Ngoài ra, Hợp tác xã còn liên kết với chi hội nghề nghiệp có chăn nuôi cả trăm con bò và cộng tác với 4 xưởng may với cả trăm công nhân. Hiện nay, Hợp tác xã đạt doanh thu từ 6-7 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hơn 300 lao động trong thôn với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Hiệp chia sẻ, trồng rau an toàn phải tuân thủ nhiều quy định như: nguồn đất phải sạch, không nhiễm các hóa chất độc hại đối với con người và môi trường. Quy trình trồng rau sạch khá khắt khe, chỉ được dùng phân xanh, phân chuồng đã được ủ hoai mục, nguồn nước sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. So với cách trồng rau truyền thống, trồng rau sạch theo hướng tập trung tuy có nhiều quy định ràng buộc nhưng an toàn với cả người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Tôi lấy ví dụ 1 sào ngô nếp trồng 2 vụ/ năm, người dân trừ chi phí thì lãi 6 triệu/sào/năm còn cây lúa được 1 triệu/năm; 1 sào cải bắp trồng 1.200 cây thu được 12 triệu trừ chi phí còn 9 triệu/năm/vụ.
Hiện nay, mô hình trồng rau hiệu quả hơn so với việc người dân trồng lúa, thu nhập gấp 5-7 lần. Điều quan trọng là hợp tác xã bao tiêu đầu ra nên người dân có thể yên tâm, không lo nông sản bị dồn ứ.
Sau nhiều năm sản xuất, hiện nay thương hiệu của chúng tôi cũng có chỗ đứng. Điển hình là rau củ quả của Hợp tác xã thôn Liên Ấp đã nhập vào cửa hàng đại diện cho nông dân tỉnh Bắc Ninh, sau đó phát triển ở hệ thống siêu thị,”, ông Hiệp nói.
Nhìn vào thành công hôm nay, ông Hiệp lại nhớ lại quãng thời gian đầu khi hợp tác xã mới thành lập. Khi ấy ông cũng phải đi tiếp thị sản phẩm nhưng có tới 30% lượng khách từ chối vì chưa tin tưởng. Về sau các sản phẩm chứng minh được uy tín theo thời gian. Bây giờ khi có thương hiệu rồi thì nhiều khách hàng tìm đến, có lúc hợp tác xã còn không đủ nguồn sản phẩm để cung ứng cho khách hàng.
Chú Đỗ Đình Nhi (SN 1955, thành viên Hợp tác xã thôn Liên Ấp) cho biết: “Hiện nay vợ chồng tôi có hơn 1ha trồng rau củ. Hai vợ chồng chăm chỉ làm, có những ngày thu hoạch vài triệu đồng, cứ rau này thu hoạch hết mùa lại quay ra trồng thứ khác. Đúng là so với cây lúa thì thu nhập từ rau gấp nhiều lần, nhất là mình lại chủ động được thời gian.
Làm nông có lúc 4h sáng đã ra đồng, có lúc mùa thu hoạch 10h đêm mới bắt đầu ở ruộng về nhưng vẫn vui vì trồng nhiều cũng không lo ế, không lo vốn vì toàn bộ giống cây cũng như quy trình kỹ thuật đã được hợp tác xã hướng dẫn".
Chia sẻ bí quyết để Hợp tác xã thôn Liên Ấp có thành công như hôm nay, ông Hiệp nói: “Chúng tôi tự tin mình cạnh tranh được với các đối thủ trên thị trường vì chúng tôi chủ động nhân lực, không thuê đất mà đất do người dân góp và hưởng % trên sản phẩm, vậy nên chúng tôi có lợi thế giá cả trong khi chất lượng vẫn đảm bảo. Ngoài ra, khi xuất hàng có đội giám sát của hợp tác xã rất bài bản nên khách hàng vô cùng tin tưởng”.
Hiện nay Hợp tác xã thôn Liên Ấp có khoảng 20ha trồng rau và cây ăn quả, trong đó 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP là cà chua, bí, mướp và dưa chuột. Nhờ có Hợp tác xã mà người dân nhất trí đồng lòng cùng phát triển, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như góp phần tạo an sinh xã hội tốt hơn.
Bạch Dương
Ảnh: NVCC