Những “cuộc chiến” bên bờ Vĩ tuyến 17
Cuộc chiến màu sắc cầu Hiền Lương
Khi 2 miền Việt Nam còn bị chia cắt (1954-1975), nơi cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải (tỉnh Quảng Trị), những cuộc chiến tuyên truyền sôi nổi bậc nhất thế giới tại khu phi quân sự vĩ tuyến 17 đã diễn ra hết sức “sôi nổi”.
Sau hiệp định Genève năm 1954, Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải – vĩ tuyến 17, tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị trở thành ranh giới chia cắt Việt Nam. Ban đầu cầu Hiền Lương sơn hoàn toàn 1 màu. Nhưng để thể hiện sự đối lập của 2 chế độ, Việt Nam Cộng Hòa (phía Nam) đã sơn lại nửa cầu phía bên mình màu xanh. Tuy nhiên, ngay sau đó Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (phía Bắc) cũng sơn nửa cầu kia thành màu xanh để thể hiện khát vọng thống nhất non sông.
Không đồng ý với ý nguyện này, Việt Nam Cộng Hòa lại sơn nửa cầu của mình thành màu nâu; thì vài ngày sau, Miền Bắc cũng sơn màu tương tự. Cứ thế, bờ Nam sơn màu gì thì bờ Bắc lại sơn màu đó. Tuy có sự đậm nhạt (dù cùng màu sơn) khác nhau, nhưng chí nguyện non sông nối liền một dải đã chiến thắng và khát vọng thống nhất đất nước đã chiến thắng trên cùng một… cây cầu.
Cuộc chiến loa phát thanh
10 năm đầu chia cắt (1954-1964) là thời điểm khu phi quân sự không mấy khi có nổ sung. Tuy nhiên, cuộc chiến âm thanh bởi các dàn loa tuyên truyền từ 2 phía thì lại diễn ra vô cùng… khốc liệt. Cụ thể ban đầu, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cho xây dựng một hệ thống loa phóng thanh được phân bố thành 5 cụm trong chiều dài 1,5km ở bờ Bắc, mỗi cụm gồm 24 loa có công suất 25W. Tuy nhiên, hệ thống loa này nhanh chóng bị lép vế bởi hệ thống loa do Tây Đức và Úc viện trợ cho Việt Nam Cộng Hoà.
Ngay lập tức, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tăng thêm 8 loa có công suất 50W và 1 loa có công suất 250W được viện trợ từ Liên Xô. Đến năm 1960, phía Nam đáp trả bằng giàn loa của Mỹ với công suất mỗi loa lên 120W, với mục tiêu “vang tận Quảng Bình”. Không kém cạnh, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lắp đặt thêm loa công suất cực lớn tới 500W với đường kính rộng đến 1,7m và bổ sung thêm 20 loa loại 50W, 4 loa loại 250W của Liên Xô tại chiến tuyến Bến Hải. Khi thuận gió, tiếng loa của miền Bắc có thể truyền xa hơn 10km.
Theo tư liệu của Bảo tàng Cách mạng, để có đủ điện cho hệ thống loa có tổng công suất 7.000W này hoạt động, phía Bắc đã phải xây dựng một đường dây cao thế 6KVA dài gần 10km cùng trạm cao tần đặt tại Liêm Công Phường cách cầu Hiền Lương 2,5km về phía Bắc giúp tăng âm cho hệ thống. Cuộc “đấu loa” giữa 2 miền với tần suất (14-15 tiếng/ngày), công suất khủng và mở hết công suất bất kể ngày đêm để cuối cùng chiến thắng lại nghiêng về… miền Bắc.
Cuộc đấu cờ Nam – Bắc
Những năm 1954 - 1956, miền Bắc cho làm một cột cờ bằng cây phi lao cao 12m, cờ có khổ 3,2m x 4,8m. Ở bờ Nam, trước khi rời Việt Nam, Pháp treo lên cột cờ cao 15m. Nhận thấy sự “bất ổn” này, miền Bắc đã dựng cột cờ mới cao 18m (cao hơn cột cờ của Pháp 3m) và treo lá cờ bằng vải sa tanh rộng 24m2.
Không chịu thua, miền Nam xây dựng cột cờ bằng xi măng cốt thép cao 30m, treo cờ lớn hơn cùng hệ thống đèn huỳnh quang nhấp nháy đủ màu chân cột cờ. Ngay lập tức, tháng 7/1957, miền Bắc làm cột cờ ống thép cao 34,5m tại Hà Nội rồi vận chuyển vào Quảng Trị. Trên đỉnh cột cờ còn gắn một ngôi sao bằng đồng có đường kính 1,2m, 5 đỉnh ngôi sao gắn một chùm bóng điện loại 500W cùng lá cờ rộng tới 108m2.
Như một cuộc thi, năm 1961 miền Nam lại nâng cấp cột cờ lên cao 35m. Để rồi năm 1962, miền Bắc lại nâng cột cờ lên cao 38,6m cùng lá cờ đại 134m2. Cứ như vậy, sau khi đấu cờ thất bại miền Nam liền dùng pháo bắn phá cột cờ của miền Bắc. Đỉnh điểm năm 1967, miền Nam cho máy bay ném bom, kết hợp pháo cỡ lớn từ Dốc Miếu, Cồn Tiên bắn phá cột cờ ở bờ bắc sông Bến Hải.
Cứ như vậy, sau khi đua cờ đến lượt phá cờ của nhau diễn ra như cơm bữa. Để rồi, lá cờ chính nghĩa thống nhất non sông đã chiến thắng khi tháng 5/1972 toàn tỉnh Quảng Trị được giải phóng, trước ngày thống nhất non sông 1975 tới 3 năm. Bên cạnh đấu cờ, đấu loa… cuộc đấu khẩu hiệu tuyên truyền giữa 2 bên cũng diễn ra suốt 28 năm.
Hai bên bờ sông Bến Hải, các bên đã cho dựng các cổng chào và hàng loạt biển bảng tuyên truyền. Từ nội dung, font chữ cho tới chiến thuật “tuyên truyền”, nhưng có một điều dễ nhận thấy font chữ của phía Bắc bao giờ cũng đẹp hơn hẳn phía Nam. Đặc biệt, các nội dung tuyên truyền của miền Bắc luôn hướng về một nội dung duy nhất “thống nhất non sông” thay vì các khẩu hiệu muốn chia cắt đất nước như bờ kia chiến tuyến.
Việt Hoàng