Những bức bích họa độc đáo nơi chân sóng
Làng bích họa An Bình
Ở vùng biển tỉnh Quảng Ngãi, tít ngoài khơi xa, trên một hòn đảo nhỏ có những ngôi nhà rất hấp dẫn với các bức bích họa tươi tắn sắc màu. Đó là làng bích họa thuộc xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn.
Hầu hết các bức bích họa ở đây đều có chủ đề về biển với những hình ảnh của các loài sinh vật sống trong lòng biển cả. Hình ảnh những sinh vật biển như sống động hơn qua nét vẽ tài hoa của những người họa sĩ. Tại đây, từ những ngôi nhà cũ kỹ nằm ven biển trên một hòn đảo nghèo giờ đã khoác lên mình một tấm áo mới, đầy màu sắc và tràn ngập sức sống.
Bắt đầu từ ngày 1/6/2017, nhóm tình nguyện viên là các họa sĩ trẻ (cả chuyên và không chuyên) đến từ nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc đã bắt tay thực hiện những bức tranh bích họa đầu tiên. Các họa sĩ đã thực hiện 10 bức tranh trên ngôi nhà của các hộ dân ở xã đảo An Bình.
Ngoài việc vẽ những bức tranh bích họa lớn, nhóm tình nguyện viên còn tiến hành quét dọn, sơn, tân trang 25 ngôi nhà đã xuống cấp, cũ kỹ, bạc màu vôi cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.
Xã đảo An Bình (còn được gọi là đảo Bé) có 93 hộ dân, trong đó có 10 bức tranh lớn được thể hiện và hàng chục bức tranh nhỏ được vẽ trên lan can, lu nước, ô cửa sổ... Nội dung của các bức tranh xoay quanh thiên nhiên, biển đảo, con người và động vật hoang dã. Những ngôi nhà cũ kỹ phút chốc bỗng sáng rực lên với những hình vẽ vô cùng độc đáo của các họa sĩ. Mặc dù dưới cái nắng như đổ lửa của miền Trung, nhưng tất cả các họa sĩ đều miệt mài với bức vẽ của mình, với sự động viên của chủ nhà và những người bạn đồng hành.
Từ khi có dự án đến với làng chài ven biển, hầu hết người dân đều rất phấn khởi nên tự nguyện đứng ra hỗ trợ giúp đỡ cho những họa sĩ vẽ tranh bích họa. Được biết, có khoảng 1/4 hộ gia đình trong tổng số hộ dân trên đảo đã đồng hành cùng hoạt động này. Toàn bộ sơn do một doanh nghiệp hỗ trợ miễn phí. Chỉ trong vòng gần nửa tháng, làng quê biển như được “khoác thêm áo mới”.
Sự hiện diện của làng bích họa trên đảo Bé sẽ trở thành một điểm đến của du lịch cộng đồng, hỗ trợ người dân chuyển đổi sinh kế, giảm bớt áp lực khai thác các nguồn lợi thủy sản; đồng thời góp phần nhận thức của người dân và chính quyền địa phương về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường biển; bảo vệ các loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có rùa biển.
Làng tranh 3D Thanh Thủy
Ngay tại vùng duyên hải của tỉnh Quảng Ngãi còn có một làng bích họa thứ hai với các bức tranh mang đề tài chủ đạo về thiên nhiên, cuộc sống và biển cả; đó là làng Thanh Thủy – một làng quê ven biển thuộc xã Bình Hải, huyện Bình Sơn.
Do làng vừa có đất lại vừa có biển nên từ bao đời nay, cư dân của làng sinh sống chủ yếu bằng 2 nghề: làm nông nghiệp và khai thác biển. Lâu nay, người dân Thanh Thủy vẫn tự hào về quê hương mình có một ghềnh đá đẹp, đó là ghềnh Yến – một ghềnh đá nằm xen giữa những thửa ruộng và biển cả. Theo lý giải của người dân địa phương, sở dĩ nơi đây được gọi tên ghềnh Yến là bởi vì từng đàn yến kéo về đây làm tổ rất nhiều.
Vùng đất này được thiên nhiên tạo cho cảnh quan vô cùng độc đáo, bãi biển không phải bãi cát phẳng lì mà được tạo thành từ đá nham thạch đen xen lẫn với đá san hô. Theo các nhà địa chất thì những lớp đá đen này là kết quả của sự phun trào của núi lửa từ hàng triệu năm về trước. Từng lớp đá nham thạch xếp chồng lên nhau ngay ngắn, vuông vức, tựa như có bàn tay thần kỳ sắp đặt. Trải qua không biết bao nhiêu thời gian, sự phong hóa, bào mòn của gió và sóng biển đã tạo ra những khối đá có hình thù kỳ dị. Chính vùng ghềnh Yến này cũng đang được các nhà khoa học dự kiến đưa vào khu vực công viên địa chất toàn cầu để bảo tồn các giá trị của tự nhiên.
Biển cả ở vùng ghềnh Yến khá phong phú với rất nhiều loại hải sản. Theo ngư dân địa phương, chỉ ở độ sâu hơn 1m là đã bắt gặp những rặng san hô. Lâu nay, anh Hưởng Trung Lâm thường xuyên khai thác hải sản ở ghềnh Yến, anh đã tận mắt thấy nhiều dải san hô. Tuy nhiên, khi được hỏi về san hô thì anh cũng chỉ trả lời ngắn gọn theo cảm nhận riêng của mình: San hô ngoài đó còn nguyên vẹn, rất nhiều và đẹp!
Tuy sở hữu một thắng cảnh đẹp, nhưng ghềnh Yến của Thanh Thủy cũng ít được mọi người biết đến. Để nhằm thu hút du khách và quảng bá hình ảnh quê hương, Huyện ủy Bình Sơn đã có ý tưởng để phát triển du lịch ở vùng đất này. Bằng hình thức tổ chức vẽ tranh lên tường nhà của những người dân, với mục đích tạo điểm nhấn cho những du khách tới tham quan ghềnh Yến.
Từ một làng quê nghèo, chịu nhiều mất mát trong thời chiến tranh, làng Thanh Thủy vốn lặng lẽ, cũ kỹ và yên bình đã chuyển mình bước vào cuộc sống mới. Từ tháng 8/2017, dưới bàn tay tài hoa của các họa sỹ, làng chài Thanh Thủy khoác lên chiếc áo mới qua những bức họa 3D sống động, rực rỡ sắc màu.
Trên những bức tường, các họa sĩ được phép thỏa sức đam mê, sáng tạo, vượt ngoài khuôn khổ cũng như tự do bộc bạch tất thảy tâm tư, tình cảm của bản thân thông qua những bức bích họa về con người và những đề tài về thiên nhiên, biển đảo, hay những ước mong về một thế giới hoàn mỹ, tốt đẹp,... Các bức bích họa ở ngôi làng này đã góp phần làm thay đổi cảnh quan, thay đổi cuộc sống cũng như tạo thêm sinh kế cho người dân nơi đây bằng việc phát triển du lịch.
Khác với những bức họa ở Lý Sơn, những bức bích họa nơi đây khác biệt ở chất liệu 3D và nội dung mang những ước mơ, khát vọng của chính người dân địa phương, về thiên nhiên, biển đảo ở ngay nơi này... được vẽ trên những bức tường rêu phong, bụi bặm của 14 ngôi nhà trong làng.
Những bức bích họa đơn giản mà dung dị đã chiếm trọn tình cảm của mọi người đến xem. Chính vì dễ cảm thụ nên những thông điệp về bảo vệ thiên nhiên, môi trường biển đã truyền tải được tới người xem một cách chính xác, nhanh chóng và đầy đủ nhất. Những bức tranh mô tả thiên nhiên sống động nhưng vẫn hàm chứa ẩn ý “biển cả là nguồn sống của con người”.
Để tạo cảm giác sạch sẽ cho du khách khi về thăm làng và thưởng lãm những bức bích họa, hầu như gia đình nào cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho ngôi làng biển. Có lẽ hăng hái nhất lại là các em thiếu niên ở đây, bởi những bức bích họa của làng chính là mơ ước và niềm đam mê của các em.
Để hạn chế những yếu tố tự nhiên làm ảnh hưởng đến chất lượng của những bức bích họa, hàng tuần, một nhóm thanh niên trong làng đã tự nguyện đứng ra lau chùi cặn muối bám trên những bức tranh với mong muốn mọi du khách đến với làng Thanh Thủy đều được ngắm những bức tranh tươi tắn, qua đó khơi gợi tình yêu trong lòng mọi người đối với biển đảo quê hương.