Nhiều mô hình HTX theo chuỗi giá trị sản phẩm phát huy hiệu quả
Ngày 12/10, tại Cung Tri thức - TP Hà Nội diễn ra hội thảo “Nâng cao chất lượng mô hình hợp tác xã theo chuỗi giá trị sản phẩm giai đoạn 2023 – 2030”. Hội thảo do Trung tâm các Chương trình Kinh tế - Xã hội, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức.
Hội thảo đánh giá kết quả điều tra xây dựng mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị giai đoạn 2018 - 2020, đề xuất giải pháp giai đoạn 2023 - 2030.
Đại diện Liên minh HTX Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2018 - 2020, đơn vị này đã hỗ trợ xây dựng được 185 mô hình HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm trên toàn quốc.
Trong đó các mô hình hỗ trợ triển khai theo đa dạng ngành nghề, chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đang ngày càng được nhân rộng.
Điển hình như HTX Bò sữa Evergrowth (Sóc Trăng). Được thành lập từ năm 2004, đi sau nhiều mô hình bò sữa khác trong khu vực, HTX Evergrowthcó được những bài học kinh nghiệm.
Trong đó, có việc tạo nguồn con giống có giá thành thấp và thích hợp với điệu kiện chăn nuôi tại địa phương bằng cách cho lai tạo bò sữa từ nền bò Sind.
Thông thường, giá đầu vào của bò sữa giống rất cao (từ 12- 18 triệu đồng/con) nên đã đẩy giá thành sản xuất sữa tươi nguyên liệu tăng cao. Đặc biệt, HTX cũng đã xây dựng thành công và đưa vào hoạt động nhà máy trộn thức ăn tinh cho bò sữa.
Hay HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Lâm Đồng). Được thành lập từ 2003, ngay từ những ngày đầu BQT HTX đã xác định phải theo hướng sản xuất rai sạch, rau siêu thị và phải tìm đường xuất khẩu.
Năm 2008, rau tiêu chuẩn VietGap của Anh Đào vào được hệ thống siêu thị Co.op Mart, từ đây thị trường rộng mở.
HTX cũng không ngừng đầu tư, đổi mới công nghệ, thay thế các máy móc thiết bị lạc hậu bằng các thiết bị tiên tiến hiện đại, tiêu hao ít điện năng nhưng vẫn nâng cao công suất và chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt BQT cũng tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp nông dân và thành viên HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tăng năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm.
Đến nay, HTX đã tổ chức sản xuất, liên kết với các siêu thị tiêu thụ rau an toàn trên 52 tỉnh, TP trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc…Nhờ làm tốt công tác bao tiêu sản phẩm nên các hộ thành viên đã yên tâm sản xuất và có thu nhập ổn định.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, ngay từ đầu năm 2020, hệ thống liên minh đã xác định đẩy mạnh phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương là giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững các HTX.
Các mô hình đã góp phần mở rộng số lượng và quy mô HTX gắn với chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX; cải thiện năng lực quản trị, điều hành HTX, đặc biệt là gia tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Thống kê cho thấy, khi tham gia chuỗi giá trị, chi phí sản xuất, kinh doanh của HTX giảm từ 5 - 7%, doanh thu tăng thêm 15 - 20%, lợi nhuận cao hơn từ 10 - 12%, mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên trong HTX.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra khu vực HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định, sự liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã với nhau và với doanh nghiệp còn hạn chế.
Trong khi đó, phần lớn các HTX quy mô nhỏ, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường; đội ngũ cán bộ quản lý được đào tạo bài bản còn hạn chế; cơ sở vật chất còn khó khăn như chính sách về đất đai để đầu tư về nhà xưởng, khu sơ chế nông sản, kho bảo quản nông sản.
Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của nền kinh tế. Một số HTX nông nghiệp còn thụ động, phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ, chậm tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Việc hỗ trợ các HTX tìm kiếm thị trường, tiếp cận các nguồn vốn, giới thiệu đối tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm còn lúng túng và chưa hiệu quả.
Các chuyên gia đại biểu, nhà khoa học tại hội thảo đã cho rằng để hình thành chuỗi giá trị trong thời gian tới cần tăng cường cơ giới hoá, áp dụng khoa học kỹ thuật khi tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ với nhiều hình thức linh hoạt.
Đặc biệt cần có sự liên kết giữa HTX với các thành viên thông qua hợp đồng hợp tác; liên kết giữa HTX quy mô lớn với các HTX cùng ngành; liên kết giữa doanh nghiệp với HTX ... hình thành các chuỗi giá trị theo 3 cấp độ: sản phẩm chủ lực Quốc gia, sản phẩm chủ cấp tỉnh và sản phẩm địa phương.
N. Huyền