Lực đẩy giảm nghèo từ HTX nông nghiệp, đa dịch vụ ở Nghệ An
Đa dạng hóa các dịch vụ
Với việc chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, các Hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp ở Nghệ An đã góp phần tích cực vào việc sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giúp giảm nghèo bền vững.
Trước đây, HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Minh Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) chủ yếu cung ứng các dịch vụ nông nghiệp như phân bón, giống, thủy lợi... cho bà con thành viên. Ngoài những ngành nghề cũ truyền thống, HTX đã mạnh dạn đưa thêm những ngành nghề mới vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của các thành viên.
Ông Nguyễn Công Hiển, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Minh Thành cho biết, hiện nay HTX hoạt động theo hướng đa ngành nghề với 15 dịch vụ thuộc lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp như cung ứng giống, phân bón, thủy nông, bảo vệ đồng ruộng, bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, sản xuất giống; lĩnh vực phi nông nghiệp gồm cấp nước sạch, quản lý chợ, vệ sinh môi trường, điện năng, tín dụng nội bộ, xây dựng và vật liệu xây dựng…
Để hoạt động dịch vụ phát huy hiệu quả cao nhất, HTX đã phối hợp chặt chẽ với ban nông nghiệp xã Minh Thành trong nhiệm vụ chuyên môn, phối hợp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp như thâm canh lúa, cây ăn quả, kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng mô hình... mang lại năng suất và hiệu quả cao.
Đến nay, HTX đã huy động khoảng 300 thành viên tham gia quỹ tín dụng nội bộ, giúp bà con giải quyết nguồn vốn, phát triển kinh tế. Để tiếp tục xây dựng thương hiệu, trong thời gian tới HTX sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn mua sắm phương tiện vận chuyển sản phẩm, thiết bị bảo quản sản phẩm, liên kết doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm ổn định, nâng cao đời sống cho thành viên, đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Đời sống của thành viên HTX được nâng cao rõ rệt, HTX nhanh chóng trở thành địa chỉ đáng tin cậy của hàng nghìn hộ nông dân địa phương.
“Hằng năm, chúng tôi đã trích một phần kinh phí, hỗ trợ giải bóng cho hội người cao tuổi, hội Cựu chiến binh, cấp quà tết cho các thành viên, hỗ trợ ngày vì người nghèo, quà tết trung thu cho các cháu hàng trăm triệu đồng”, ông Hiển chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết, toàn huyện có 49 HTX nông nghiệp, trong đó có 24 HTX nông nghiệp chuyển đổi và 22 HTX nông nghiệp thành lập mới theo Luật HTX năm 2012.
Theo ông Dương, HTX nông nghiệp đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển ngành nghề nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn và thúc đẩy chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ trong nông nghiệp.
“Các HTX đã giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho thành viên và người lao động tại địa phương cũng như góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển về an ninh - chính trị và kinh tế - xã hội trên địa bàn”, ông Dương cho hay
Liên kết, bao tiêu sản phẩm ngay tại ruộng
Tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Diễn Phong (huyện Diễn Châu, Nghệ An), những ngày này đang tiến hành cấp giống khoai tây (vàng, trắng) cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn để chuẩn bị xuống giống, bước vào vụ mới.
Ông Dương Văn Điển (SN 1962, trú xóm Đông Hồ, xã Diễn Phong) cho biết, “Vụ trước gia đình tôi trồng được 6 sào khoai tây, cho năng suất trên 5 tấn. Thời gian trồng cũng ngắn, có đơn vị bao tiêu ngay tại chỗ, thu nhập cũng ổn định nên chúng tôi rất vui mừng. Cây khoai tây có thời gian sinh trưởng khoảng 80 - 90 ngày, dự kiến vụ này gia đình sẽ mở rộng thêm diện tích để thu nhập cao hơn”.
Theo ông Quế Văn Duyên, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Diễn Phong (huyện Diễn Châu), toàn xã có khoảng 150 hộ trồng khoai tây, tập trung chủ yếu ở các xóm Hướng Dương, Đông Hồ…, với tổng diện tích khoảng 35 – 40ha
Theo ông Duyên, đây là năm thứ 3 địa phương trồng cây khoai tây theo dự án ký kết. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An là đơn vị tổ chức, Viện Sinh học Nông nghiệp (thuộc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam) cung ứng giống, còn Công ty Orion Việt Nam bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Việc được doanh nghiệp thu mua toàn bộ tại ruộng với giá cao, người dân phấn khởi thu nhập hơn 30 triệu đồng mỗi sào. Trong khi nhiều mặt hàng nông sản khác trên địa bàn tỉnh đang rớt giá thì củ khoai tây lại được mùa, được giá. Nông sản làm ra có doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ nên bà con rất phấn khởi.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu, ông Lê Thế Hiếu thông tin thêm, sau khi tuyển lựa, khoai được doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm với giá khoảng 7 triệu đồng/tấn. Toàn huyện có tới 160 ha được liên kết bao tiêu sản phẩm, diện tích trồng chủ yếu ở các xã Diễn Phong, Diễn Thịnh, Diễn Hùng, Diễn Trung, Diễn Hải…
“Nhờ tạo sự liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp nên toàn bộ khoai tây được thu mua ổn định. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình trồng khoai tây liên doanh trong vụ đông và đông xuân, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Hiếu nói.
Đến nay, nhiều HTX trên địa bàn Nghệ An đã thực hiện có hiệu quả việc cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên, tiếp thu, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ KH -KT vào sản xuất..., tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động.
Các HTX nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người nông dân, thực sự là nơi “đỡ đầu”, tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hàng hóa an toàn và bền vững.
Việt Hòa