Bộ Y tế: Nhiều bệnh viện tiên phong thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt
Báo cáo tổng hợp từ các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các Sở Y tế gồm 27 bệnh viện trực thuộc Bộ và thuộc các trường đại học y, dược cùng 34 Sở Y tế cho thấy, tính đến tháng 8/2022, có khoảng 85% (23/27 bệnh viện trực thuộc Bộ và thuộc các trường đại học y, dược) đã triển khai TTKDTM; có khoảng 56% gồm 19 địa phương (Sở Y tế) đã triển khai TTKDTM có tỷ lệ từ 50% trở lên, trong đó có 7/34 Sở Y tế đạt tỷ lệ 100% các cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai TTKDTM.
Từ năm 2013, Bạch Mai là bệnh viện đầu tiên ở khu vực miền Bắc đã áp dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Đến nay bệnh viện vẫn đang áp dụng 2 phương thức thanh toán viện phí chính là thanh toán tiền mặt - quẹt thẻ (dành cho bệnh nhân khám bệnh thông thường) và thanh toán thẻ điện tử ATM (dành cho bệnh nhân khám bệnh theo yêu cầu).
Còn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt được thực hiện từ tháng 9/2018 với hình thức thí điểm bằng thẻ bảo lãnh viện phí tại khoa Điều trị theo yêu cầu 1C. Sau 1 năm triển khai, đã có gần 7.000 người bệnh sử dụng thẻ bảo lãnh viện phí thay cho tiền mặt, chiếm hơn 40% số người bệnh đến khám.
Đối với bệnh viện Ung bướu Hà Nội chính thức triển khai dịch vụ thanh toán viện phí trực tuyến bằng thẻ khám bệnh và trở thành bệnh viện công lập đầu tiên của ngành y tế Hà Nội áp dụng dịch vụ thanh toán bằng thẻ.
Tại TP.HCM, bắt đầu từ tháng 7/2020, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM chính thức triển khai các giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Tương tự, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM từ đầu tháng 7/2020 cũng đã đẩy nhanh việc triển khai thanh toán viện phí qua thẻ cho đối tượng khoa khám bệnh BHYT. Đến nay, gần như 100% số lượng bệnh nhân của bệnh viện đã đồng ý sử dụng thẻ để thanh toán viện phí.
Trong khi đó, việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đã được Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện từ cuối năm 2013. Tại bệnh viện này, thẻ thanh toán viện phí còn hoạt động như thẻ ATM, giúp người đến khám, chữa bệnh có thể thực hiện các giao dịch thông thường khác. Bên cạnh đó, bệnh viện còn có hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt khác là dùng thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS) và nhận chuyển khoản.
Với hình thức thanh toán điện tử không cần dùng tiền mặt không chỉ an toàn cho người bệnh sẽ tiết kiệm thời gian, giảm rủi ro khi thanh toán bằng tiền mặt, thực hiện các tiện ích thông minh an toàn và nhanh chóng.
Chị Hồ Thu Nga (SN 1983) từ Quỳnh Lưu (Nghệ An) ra Bệnh viện Bạch Mai chữa u tuyến giáp, chị Nga cho biết, không như ngày trước, mỗi lần nhà có người đi viện là cả nhà lại phải chuẩn bị 1 số tền mặt mang theo bên mình để chi phí thuốc thang, trả viện phí, nhưng ấy năm nay mỗi lần chị đi viện theo lịch khám thì rất đơn giản, chỉ cần cầm theo tấm thẻ ATM và chiếc điện thoại thông minh là chị yên tâm vào viện mà không phải lo nghĩ gì nhiều.
"Khi mua thuốc hay thanh toán tiền khám chữa bệnh, nộp viện phí thì tôi chỉ cần quét mã QR được dán ngay trước quầy thanh toán, không lo sợ mất cắp, hay đánh rơi tiền mặt... Vừa tiện lợi, vừa an toàn", chị Nga chia sẻ.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, trong thời gian qua Bộ Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai yêu cầu của Chính phủ như: Chỉ thị số 12/CT-BYT ngày 02/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; Công văn số 3614/BYT-CNTT ngày 25/6/2019 của Bộ Y tế gửi các bệnh viện, trường trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ đẩy mạnh thanh toán điện tử; Công văn số 4764/CNTT-BYT ngày 16/8/2019 của Bộ Y tế gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc giảm phí giao dịch điện tử trong thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành Y tế; khảo sát đánh giá tình hình và tổ chức triển khai thí điểm thanh toán dịch vụ y tế; xây dựng Cổng hỗ trợ thanh toán điện tử trong ngành Y tế.
Theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu có 50% bệnh viện các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng), Bộ Y tế cho biết, tính đến cuối năm 2020, nhiều thành phố lớn có tỷ lệ bệnh viện chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng cao, như TP Đà Nẵng 100%, TP Cần Thơ 100%, TP Hồ Chí Minh đạt 98%, TP Hà Nội đạt 64.8%, TP Hải Phòng đạt 44%.
Ngoài ra, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có triển khai thanh toán không tiền mặt chiếm tỷ lệ 61%.
Nguyễn Vũ