Nhật - Ấn tăng cường hợp tác an ninh mạng với ASEAN
Cả Nhật Bản và Ấn Độ đều nhất trí về ký kết những thỏa thuận riêng rẽ với các nước thành viên ASEAN trong lĩnh vực an ninh mạng.
Theo Tech Wire Asia, sau quyết định gần đây liên quan đến việc hợp tác trong nhiều lĩnh vực cơ sở hạ tầng thông tin và công nghệ quan trọng, Nhật Bản và Ấn Độ muốn mở rộng thêm các mối quan hệ với những quốc gia thành viên ASEAN trên nhiều lĩnh vực như an ninh mạng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Các hoạt động phối hợp và hợp tác về an ninh mạng sắp tới giữa ASEAN và Nhật Bản là nội dung thảo luận trọng tâm của Hội nghị trực tuyến về Chính sách An ninh mạng ASEAN - Nhật Bản lần thứ 13 dưới sự đồng chủ trì của Nhật Bản và Campuchia.
Hội nghị trực tuyến về Chính sách An ninh mạng ASEAN - Nhật Bản lần thứ 13. (Ảnh: Cyber Security Brunei) |
Đại diện các nước đến từ ASEAN và Nhật Bản đã cung cấp thông tin cập nhật về tiến trình thực hiện chiến lược và chính sách an ninh mạng của từng quốc gia.
Ông Kenichi Takahashi, Tổng Giám đốc Trung tâm quốc gia về Sẵn sàng đối với sự cố và Chiến lược an ninh mạng Nhật Bản (NISC) cũng đã nhấn mạnh thêm về tầm quan trọng của việc thiết lập “các tiêu chuẩn mạng" phù hợp giữa Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN, trong bối cảnh các mối đe dọa mạng ngày càng gia tăng do tác động của đại dịch Covid-19 làm bùng nổ hoạt động kỹ thuật số thay cho hoạt động tiếp xúc trực tiếp.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng đã đưa ra Kế hoạch Hành động Ấn Độ - ASEAN giai đoạn 2021 – 2025 bao gồm những biện pháp giúp Ấn Độ mở rộng hợp tác với các nước ASEAN trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư và an ninh dưới loạt hình thức bao gồm an ninh biên giới, an ninh hàng hải và an ninh mạng.
Ngoài ra, Ấn Độ và ASEAN còn đưa ra các giải pháp hợp tác trong lĩnh vực công nghệ đang nổi bao gồm trí tuệ nhân tạo, sự học của máy cũng như trao đổi thông tin và thực hành thành thạo trong Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Một vấn đề quan trọng trong Kế hoạch Hành động 5 năm giữa Ấn Độ - ASEAN còn là việc giải quyết hàng loạt vấn đề như hợp tác hàng hải, phát triển bền vững, phát triển các nguồn tài nguyên biển, kết nối trực tiếp và kết nối kỹ thuật số cũng như tăng cường giao lưu nhân dân thông qua các sáng kiến y tế, giáo dục và du lịch.
Những tuyên bố trên được công bố chỉ một thời gian ngắn sau khi Ấn Độ và Nhật Bản nhất trí về một thỏa thuận mới liên quan tới chiến lược cải tiến để có thể bỏ qua yếu tố Trung Quốc, đồng thời tiến tới hợp tác trong công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), bảo mật và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng.
Tuyên bố về hợp tác phát triển công nghệ 5G được đưa ra sau khi Ấn Độ và một số nước đồng minh của Mỹ có động thái "miễn cưỡng" trong việc sử dụng cơ sở hạ tầng và dịch vụ 5G của Tập đoàn Công nghệ Viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei.
Các công ty viễn thông của Ấn Độ cũng đã xem xét các giải pháp thay thế cho những dịch vụ 5G từ Trung Quốc. Động thái này diễn ra sau khi xung đột biên giới giữa Trung - Ấn bùng phát. Sau đó, Ấn Độ đã ban bố lệnh cấm trên toàn quốc đối với những dịch vụ công nghệ thông tin mà Trung Quốc cung cấp bao gồm các ứng dụng di động phổ biến ở Ấn Độ.
Minh Thu (lược dịch)