Nhà trường không được nhầm lẫn giữa trình độ học vấn và trình độ văn hóa
Bạo lực học đường ngày càng bộc lộ tính nguy hiểm và phức tạp, trở thành vấn đề xã hội bức xúc của nhiều người.
Bạo lực học đường diễn ra không chỉ ở thành thị mà còn ở nông thôn, không chỉ ở học sinh nam mà còn ở học sinh nữ. Bạo lực học đường gây hại trực tiếp đến sức khỏe, tài sản, tính mạng, tinh thần của thầy, trò và những tác động xấu đến môi trường giáo dục.
Xây dựng văn hóa học đường có góp phần xóa bỏ bạo lực học đường không? Đó là trăn trở của nhiều người khi thời gian qua ở một số địa phương, nhà trường vẫn còn tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, ứng xử thiếu văn hóa của học sinh, sinh viên cũng như cán bộ, giáo viên.
Cụ thể, một bộ phận học sinh sinh viên còn ứng xử thiếu văn hóa, một số cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở giáo dục chưa chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử, có hành vi và thái độ ứng xử thiếu kiềm chế, xúc phạm tinh thần, thể chất học sinh, bạo hành trẻ trong các cơ sở mầm non...
Các chuyên gia giáo dục đều cho rằng muốn xóa bạo lực học đường cần xác định giá trị cốt lõi trong ứng xử văn hóa ở môi trường học trong đó người đóng vai trò dẫn dắt các giá trị đạo đức trong môi trường học đường chính là giáo viên.
Ảnh minh họa |
Thầy cô giáo không chỉ dừng lại ở truyền thụ kiến thức mà cần xây dựng nét đẹp văn hóa người thầy để làm gương cho học sinh. Với nhà trường cần tổng kết những gương điển hình để nhân rộng một cách có thực chất, hiệu quả để noi theo.
Hiện nay tại nhiều trường học đã nhấn mạnh tới vấn đề giáo dục kỹ năng giao tiếp cơ bản cho học sinh qua cụm từ "xin lỗi, cảm ơn". Khi nếp sống văn minh ấy được giáo dục, được định hình từ sớm thì việc đánh lộn, xúc phạm nhau trong học đường sẽ được hạn chế.
Thậm chí, ngay cả phụ huynh, giáo viên khi áp dụng nguyên tắc sống này cũng trở nên văn minh hơn, thân thiện hơn trong các giao tiếp, ứng xử.
Bởi lẽ, chúng ta cần nhận thức rõ ràng rằng trường học hiện nay không chỉ là trường học trí tuệ mà còn phải là trường học văn hóa. Nhà trường không được nhầm lẫn giữa trình độ học vấn và trình độ văn hóa trong sứ mệnh giáo dục và đào tạo của mình.
Mỗi trường học cần có bước đi, cách thức xây dựng văn hoá học đường ở trường mình cho phù hợp theo đặc điểm của trường và tính chất của văn hóa trường học.
Mục tiêu của xây dựng văn hóa học đường là môi trường. Môi trường tự nhiên xanh, sạch, đẹp, an toàn ; môi trường xã hội nhân văn với các mối quan hệ thân thiện, lành mạnh tiến tới xóa bỏ bạo lực học đường.
Bản chất của xây dựng văn hóa học đường là hoạt động. Hoạt động của người dạy (nhà trường, nhà giáo dục) và hoạt động của người học (học sinh, sinh viên). Trong đó người dạy vừa tạo ra môi trường văn hóa vừa đưa những chỉ dẫn, định hướng văn hóa đến người học nhằm mục tiêu xây dựng văn hóa tổ chức, văn hóa ứng xử, văn hóa môi trường, văn hóa chất lượng…mà nhà trường đã lựa chọn xây dựng. Hoạt động này của ngưởi dạy diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như sinh hoạt lớp, tư vấn cá nhân, lồng ghép qua môn học, đánh giá giáo dục…
Người dạy qua hoạt động này cũng phải gương mẫu trong thực hiện các chỉ bảo văn hóa này như đối với người học. Điều đó không thể không có và cũng là nhằm tạo ra môi trường văn hóa chung của nhà trường.
Hoạt động của người học là tự mình kiến tạo bản thân qua môi trường văn hóa được tiếp cận, các chỉ dẫn văn hóa đã lĩnh hội tiến đến có hành vi văn hóa chuẩn mực. Làm được điều đó người học phải tích cực như có ý chí, động lực, động cơ hoạt động vớí điều kiện phải hiểu được tri thức văn hóa; có tình cảm, niềm tin về giá trị văn hóa để có hành vi văn hóa tự mình.
Khó có thể xây dựng văn hóa học đường trong một trường học nếu thiếu môi trường văn hóa và người dạy chỉ rao giảng suông về văn hóa. Tức là ở đây chúng ta cần chú trọng và đi sâu vào từng hành động thế nào là văn hóa học đường, học sinh được làm gì và nên làm gì là văn hóa.
Muốn xóa bỏ bạo lực học đường thì mỗi nhà trường cần cụ thể hóa bộ quy tắc ứng xử thành hành động để mỗi học sinh, mỗi giáo viên phải nắm rõ, nắm chắc và làm theo.
Hoàng Thanh