Người đàn ông trồng tre, đắp bờ cho hàng vạn con chim trời về trú ngụ
Tìm về xã Hà Ngọc (huyện Hà Trung, Thanh Hóa), hỏi ông Quân đồi cò, không ai là không biết. Ông Mai Văn Quân (SN 1962, trú thị trấn Hà Trung) là người đã trồng tre, đắp bờ, xây tường rào cao để bảo vệ cho hàng vạn chim trời về trú ngụ.
Ngồi trò chuyện với PV, ông Quân kể lại: “Trước đây ở khu vực xã Hà Ngọc (nơi gia đình ông Quân làm trang trại - PV) là đầm lầy lau lách, cỏ dại mọc um tùm, có rất nhiều loài chim trời về trú ngụ mỗi khi mùa đông về nhưng người dân nơi đây dùng bẫy, súng, lưới để bắt về ăn thịt và bán. Năm 2004, tôi đã thuê hơn 6ha đất để làm trang trại kết hợp với chăn nuôi. Tiếp đó, đến năm 2014, tôi tiếp tục thuê hơn 12ha đất để mở rộng mô hình sản xuất, chăn nuôi và một phần đất cải tạo làm nơi trú ngụ cho các loài chim trời”.
Cũng từ cơ duyên chim cò ngày về trú ngụ càng nhiều, với quan niệm “đất lành chim đậu”, ông Quân đã trồng tre, đắp bờ, xây tường rào cao có thép gai bảo vệ (tránh sự đột nhập săn bắn chim trái phép của người dân) làm nơi trú ngụ cho các loại chim trời (chủ yếu là cò).
“Là người yêu thiên nhiên từ bé nên tôi quyết tâm bảo vệ đàn cò mỗi khi chúng về đây trú ngụ từ tháng 9 hàng năm. Mừng là mỗi năm cò về càng nhiều. Mỗi lần tôi vào trong khu vực trang trại và đồi cò, tôi cảm thấy sức khỏe tốt lên và cảm nhận rõ hơn sự nhỏ bé của mình trước thiên nhiên”, ông Quân chia sẻ xúc động.
Theo lời kể của ông Quân, khi có ai mời ăn thịt chim, ông không bao giờ ăn vì tưởng tượng đó như là chim của nhà mình, ông bộc bạch ''là người yêu chim cò hơn chính bản thân mình”.
Theo ghi nhận của PV tại trang trại, khi xế chiều, khoảng 17h, hàng vạn con cò trắng, cò bợ, bồ nông, vạc, trích, mòng... và các loại chim khác sau hành trình kiếm ăn đã bay trở về khu vực trang trại của gia đình ông Quân để trú ngụ, tạo nên một khung cảnh như một bức tranh, đan xen là những tiếng kêu làm rộn rã cả vùng quê.
Không những thế, ông Quân còn thuê nhiều nhân công để chăm sóc cây trồng, vật nuôi và bảo vệ đàn cò tránh sự săn bắn của người dân.
Bà Bùi Thị Thắm (công nhân trong trang trại) cho hay, ở đây mỗi năm có hàng vạn con cò về đây trú ngụ từ tháng 9 hàng năm. Cứ 5h sáng thì cò đi kiếm ăn và đến chiều tối thì lại bay về ở đây.
Cũng theo bà Thắm, hàng ngày luôn có công nhân đi kiểm tra xem chim, cò có bị thương không để còn kịp chăm sóc. Có con nào bị dính dây lưới thì gỡ, bị bệnh chết thì đem chôn; rồi phát quang bụi cho chim, cò trú ngụ.
Bà Vi Thị Mai Lam (vợ ông Quân) tâm sự, việc chồng bà tâm huyết và giành riêng một phần đất trồng cây, đắp bờ cho chim, cò về trú ngụ được gia đình hoàn toàn ủng hộ. Tất cả các thành viên trong nhà luôn đồng hành cùng ông Quân trong việc bảo vệ đàn cò.
“Ông ấy yêu động vật và thiên nhiên nhiên lắm nên cứ một vài ngày lại vào thăm đàn cò xem thế nào. Khi đi chợ hay thấy ai mua cò về ăn thịt thì ông ấy ghét lắm” bà Lam chia sẻ.
Về dự định tương lai, ông Quân chia sẻ ông sẽ vẫn tiếp tục bảo vệ đàn cò và sẽ hướng tới phát triển nơi đây thành khu sinh thái gần gũi với thiên nhiên. Ông mong muốn các cấp, các ngành cùng nhân dân chung tay bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Trần Nghị