Ngư dân Quảng Nam quyết tâm sớm gỡ “thẻ vàng” thủy sản
Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh công tác quản lý tuyên truyền khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), qua đó đã hạn chế số tàu cá trên địa bàn tỉnh vi phạm các quy định liên quan. Đến ngày 30/11/2022, số lượng tàu cá toàn tỉnh là 2.741 chiếc, trong đó vùng khơi là 672 chiếc (46 tàu có chiều dài từ 24m trở lên), vùng lộng là 731 chiếc, vùng bờ là 1.338 chiếc. Hiện nay, tổng số tàu cá từ 15m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình là 672 tàu, trong đó 663 tàu đã lắp đặt giám sát hành trình (tỷ lệ 98,7%) và 9 tàu chưa lắp đặt.
Ngư dân Lê Quang Dũng (trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành) chia sẻ, mỗi chuyến xuất bến ra khơi, cùng với việc chuẩn bị nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ, ông còn kiểm tra lại thiết bị giám sát hành trình.
“Hồi trước đánh bắt hải sản chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của cha ông truyền lại, chứ không biết về các quy định đánh bắt thủy sản trên biển. Vì vậy, mỗi chuyến vươn khơi ngư dân chỉ biết làm sao đánh bắt được nhiều tôm cá đầy khoang thuyền là được. Khu vực vùng biển nào có nhiều cá là ngư dân cho tàu dừng lại rồi thả lưới đánh bắt chứ không chú ý đến các quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp như bây giờ”, ngư dân Dũng chia sẻ.
Cũng theo chủ nhân của chiếc tàu cá công suất 800CV này, từ khi được các ngành chức năng cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền, vận động và ký cam kết không vi phạm biển nước ngoài, ông và mọi ngư dân khác đều đã nhận thức và tuân thủ nghiêm các quy định về pháp luật khi đánh bắt hải sản trên biển.
“Hiện tại tàu cá của tôi đã lắp đặt máy giám sát hành trình để xác định được vị trí, tọa độ tàu đánh bắt hải sản trên biển. Qua đó giúp tôi có thể nhận biết được vùng biển nào của Việt Nam để không vi phạm vùng biển của nước khác”, ngư dân Dũng khẳng định.
Ngư dân Lê Lợi (trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành) cũng cho biết, thời gian qua để chấp hành tốt việc không vi phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài, ông đã đầu tư mua một máy định vị với số tiền khoảng 28 triệu đồng, có chức năng xác định vị trí, hành trình di chuyển và tọa độ tàu cá khi đang hoạt động đánh bắt hải sản trên biển.
“Nếu trong lúc tàu cá đánh bắt giáp ranh giới vùng biển nước khác thì thiết bị giám sát hành trình sẽ liên tục phát ra tiếng động cảnh báo cho tôi biết, sau đó tôi cho tàu cá quay lại không vi phạm biển nước ngoài. Bên cạnh đó, máy định vị còn thông báo các tàu bè hoạt động đánh bắt gần đó để tránh va chạm với nhau vào ban đêm và độ sâu của mực nước biển để khỏi đâm vào đá ngầm… Đặc biệt, nếu tàu cá không may gặp nạn trên biển thì tôi gọi báo ứng cứu để mọi người có thể xác định vị trí, tọa độ nơi con tàu gặp nạn rất nhanh và chính xác”, ngư dân Lợi nói.
Cũng theo ngư dân Lợi, cũng nhớ có máy thiết bị giám sát hành trình mà ngư dân có thể ghi lại nhật ký hành trình chính xác về địa điểm, tọa độ nơi đánh bắt hải sản, nhờ đó mỗi chuyến vươn khơi trở về đất liền thì lực lượng chức năng chỉ cần xác định vị trí đánh bắt hải sản, lịch trình di chuyển của con tàu để xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản được khai thác theo quy định pháp luật.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua đơn vị đã phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền chống khai thác IUU. Các nội dung tuyên truyền được chuyển tải một cách cụ thể, gần gũi nhất, giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện. Đồng thời, đơn vị cũng xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân cố tình đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, từ đó góp phần xây dựng nghề cá của tỉnh Quảng Nam phát triển bền vững có trách nhiệm, phù hợp luật pháp và thông lệ quốc tế.
Hồ Ca