Nghệ An: Thách thức nghề biển
Biển mất mùa, giá nhiên liệu tăng cao
Đang chính mùa biển nhưng đi vào các con ngõ của xóm Hải Nam, xã Diễn Bích (huyện Diễn Châu, Nghệ An), nhiều ngư dân vẫn thảnh thơi ngồi trước cổng nhà tán chuyện với nhau. Chuyện trò như vậy nhưng trên khuôn mặt, không ai có thể vui nổi vì biển mất mùa, giá nhiên liệu tăng cao.
Không vui nhưng họ còn may mắn hơn nhiều bạn nghề bởi cạnh đó là những căn nhà đến cả nhiều tháng nay phải đóng kín cửa khi chủ nhân không thể trở về do nợ nần chồng chất vì sợ chủ nợ đến đòi.
Bao năm lao động chắt góp, ngư dân Nguyễn Văn Tuấn (trú xóm Hải Nam, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu) cũng làm được được căn nhà đàng hoàng. Tuy nhiên 4 năm liên tục biển mất mùa thì căn nhà đã không còn. 15 năm gắn bó với nghề biển, lành nghề tháo vát nhất làng biển nhưng vợ anh cũng phải bỏ quê để sang Đài Loan lao động.
Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: Vay tiền đóng tàu lớn nhưng đánh bắt không ăn thua nên không trả được nợ mà phát sinh thêm nợ. Giờ 2 vợ chồng đang trẻ đành bán tàu đi mà đi xuất khẩu lao động, ở nhà mà để nợ lại cho con cũng khổ.
Nhưng nỗi khổ tâm lớn nhất vẫn là bà Trần Thị Tý (mẹ của anh Tuấn). Bà có 4 người con đều là chủ của những tàu cá đánh bắt xa bờ. Lần lượt nhìn các con bán đi kế sinh nhai mà vẫn nợ nần tha phương lao động, để lại đàn cháu còn thơ dại để bà nuôi dưỡng mà lòng chua xót.
Bà Tý nghẹn ngào: “Chúng nó phải tha phương làm ăn, giao đàn con nhỏ cho tui. Ở xóm này nhiều người còn không có nhà mà ở. Xung quanh đây hai, ba đứa cháu đến bữa cơm không dám về mà ăn. Chín mười giờ đêm khi người cho vay nặng lãi không đến nhà nữa mới dám về mà ăn, trốn chui, trốn lủi vì công, vì nợ”.
Từ một làng biển trù phú nay không khí heo hắt trầm lắng hẳn. Là một chi hội trưởng nghề cá, ông Vũ Đình Năm (trú xã Diễn Bích) buồn vì khúc sông này ngày càng thưa tàu của anh em hội viên.
Đã có hơn 30 năm hành nghề khai thác hải sản, ông cho biết 5 năm về trước chỉ một chuyến biển 7 ngày đã cá tôm đầy tàu; tuy nhiên nay chuyến biển phải tăng lên 10 ngày và đi qua nhiều vùng biển khiến cho chi phí khai thác tăng cao mà doanh thu cũng không đủ chi phí.
Ông Năm chia sẻ: “Anh em trong hội khó khăn, trước đây sông bến chật hết tàu thuyền giờ họ bán đi Đài Loan làm thuê cả. Phương tiện đánh bắt chưa hiện đại không biết con cá nằm ở đâu, chẳng qua đánh mò thôi”.
Hàng chục nhà dân bị kê biên
Hiện số lượng tàu thuyền nằm bờ ngày càng tăng, có lúc lến đến hàng trăm tàu. Một số ngư dân cố đi biển để có tiền trả nợ nhưng càng đi càng nợ.
Xã Diễn Bích từ năm 2019 đến nay đã có hàng chục nhà dân bị kê biên do không có tiền trả nợ đã vay để đóng tàu.
Ngư dân Đặng Hồng Thiện (trú xóm Hải Nam, xã Diễn Bích) cho biết: “Từ khi đóng ra đi đã lỗ rồi, một chiếc cứ một tỷ bảy, tỷ tám nay thua lỗ bán được bảy, tám trăm triệu thôi nên dân bể nợ, vì mình không có vốn tự có đi vay ngân hàng cả, đứa con thứ 2 học lớp 8 phải bỏ học đi làm”.
Ông Nguyễn Văn Năm (xóm trưởng xóm Hải Nam, xã Diễn Bích) cho hay: Hải Nam chúng tôi cách đây 2 năm là 57 tàu thuyền, hiện tại chỉ có 28 chiếc. Xã với xóm đã họp nhiều lần rồi nhưng chỉ động viên nhân dân thôi chứ chẳng có cách gì hỗ trợ cả. Cùng với đó thì cả 5 tàu được đóng theo Nghị định 67 thì cũng đánh bắt không hiệu quả và nợ quá hạn ngân hàng.
Đã cố chuyển đổi sang nghề hậu cần nhưng ngư dân Ngô Trí Đông (chủ tàu ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) vẫn mắc kẹt vì thua lỗ. Ông Đông chia sẻ: “So với trước đây thì hiện giờ chỉ đạt được 30% sản lượng. Trước mỗi chuyến biển 10 ngày thu mua được hàng trăm tấn cá nhưng nay có mua được 5-7 tấn cá, làm ăn thua lỗ thì tàu hậu cần cũng khó khăn”.
Từ đầu năm đến nay, mỗi tàu xa bờ ở huyện Diễn Châu đều lỗ từ 200 -300 triệu đồng. Phần lớn chủ tàu đều thế chấp tài sản cho ngân hàng để đóng tàu và mua nguyên liệu ra khơi nên nếu đánh bắt không đạt chủ tàu rất khó có thể trả nợ vay. Hiện có hơn 150 tàu nợ quá hạn ngân hàng với số tiền hơn 70 tỷ đồng; 56 tàu đã bị bán đi với giá chỉ bằng 1/3 khi đóng.
Ông Nguyễn Viết Mãn, Chủ tịch UBND xã Diễn Bích trao đổi: Mùa vụ không được mà nợ ngân hàng cũng phải trả thì một số gia đình khó khăn nên tìm đến vay tín dụng đen để xử lý nợ, rồi trang trải cuộc sống, mua nguyên liệu sản xuất. Đánh bắt không đạt nên khó khăn chồng chất khó khăn.
Nguồn lợi đã cạn kiệt đến mức khai thác không đủ để bù đắp lao động, nhiên liệu. Hàng trăm tàu thuyền ngư dân phải nằm bờ hàng tháng trời, khiến cho cuộc sống đói kém.
Theo khảo sát của ngành thủy sản thì nguồn lợi liên tục suy giảm qua các năm, các loại hải sản có giá trị kinh tế cao hầu hết suy giảm ở các vùng biển. Trữ lượng biển đã bị khai thác đến 3/4 sản lượng, đây là mức khai thác báo động.
Nguyên nhân là do giai đoạn từ 2015-2018, ngư dân huyện Diễn Châu phát triển quá nóng tàu thuyền và không theo một quy hoạch nào, chủ yếu tự phát mạnh ai nấy làm; đặc biệt khi chương trình hỗ trợ đóng tàu theo Nghị định 67 cùng với đó là hỗ trợ của UBND tỉnh Nghệ An và UBND huyện Diễn Châu về phát triển tàu công suất lớn và tàu vỏ thép đã khiến ngư dân ồ ạt cải hoán, đóng mới tàu thuyền. Và như hiệu ứng dây chuyền, lỗ hổng nghề nghiệp bắt đầu xuất hiện và kéo theo hàng loạt nguyên nhân dẫn đến thất bại.
Nghề đánh bắt hải sản của Diễn Châu vẫn là nghề cá nhân dân, nghề có quy mô nhỏ nên khi chuyển sang tàu công suất lớn hiện đại làm cho ngư dân thiếu kinh nghiệm trong chuyển đổi đánh bắt cũng như vận hành hiệu quả, trong khi đó tàu lớn thì đá, dầu, nhiên liệu, nhân công thì đều tăng lên.
Ông Nguyễn Viết Mãn - Chủ tịch UBND xã Diễn Bích chia sẻ thêm: Nghề truyền thống rất xa xưa rồi nên khi mà chuyển đổi thì hiệu quả nó chưa cao do kỹ thuật và kinh nghiệm khai thác của ngư dân còn hạn chế nên không thực hiện được.
Ngư dân trở về ngư trường truyền thống, trong khi đó tàu thuyền phát triển quá nóng không theo quy hoạch nào dẫn đến khai thác quá mức khiến suy kiệt nguồn lợi hải sản. Việc giảm áp lực khai thác, bằng cách giảm số lượng tàu thuyền, thực ra không hề đơn giản. Sự ồ ạt phát triển tàu thuyền của một giai đoạn, nay đặt ra sự đã rồi.
Ông Ngô Xuân Thủy, Cảng trưởng cảng cá Lạch Vạn (thuộc Ban quản lý cảng Cá Nghệ An) cho biết: Nghề giã cào là nghề hủy diệt, to hay nhỏ chi đều đánh bắt. Nghề giã cào thì không có máy dò cá hay trang thiết bị để biết luông cá đi ở đâu, vùng nào nhiều mà đánh bắt
Cần chính sách cụ thể và chặt chẽ trong quy định thời gian và trữ lượng khai thác, cơ chế quản lý, giám sát để khai thác bền vững.
Bảo Trâm