Nuôi trồng thủy sản Thanh Hóa đạt kết quả cao
Mặc dù bước vào năm 2022, giá chi phí đầu vào tăng nhưng trong 9 tháng đầu năm ngành nuôi trồng thủy sản Thanh Hóa vẫn đạt sản lượng ước đạt 58.046 tấn (đạt 85,4% kế hoạch năm và bằng 116% so với cùng kỳ). Trong đó, nuôi nước mặn đạt 16.946 tấn (đạt 84,7%), nuôi nước lợ 13.550 tấn (đạt 126,6%), nuôi nước ngọt đạt 27.550 tấn (đạt 75,5%).
Về diện tích nuôi toàn tỉnh có 19.200ha (đạt 100% kế hoạch). Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ là 4.100ha (tôm sú 3.450ha, tôm chân trắng 650ha), nuôi ngao đạt 1.000ha, nuôi nước ngọt 14.100ha.
Ngoài ra, trong 9 tháng qua cá biển đã nuôi được 3.654 ô lồng, cá nước ngọt nuôi được 2.068 ô lồng.
Nuôi thủy sản nước mặn sản lượng cũng tăng khi 1.000ha nuôi ngao ước đạt 15.500 tấn, cá biển, hàu ước đạt sản lượng 1.446 tấn. Thủy sản nước lợ đã thả 275 triệu con giống tôm sú ước đạt 700 tấn, nuôi tôm chân trắng 1.100 triệu giống với hình thức nuôi thâm canh ước đạt 10.300 tấn, cá, cua, rong câu ước đạt 2.550 tấn.
Về nuôi cá nước ngọt diện tích 14.100ha (các loại cá truyền thống như mè, trôi, trắm, chép) ước đạt 27.550 tấn. Việc sản xuất và cung ứng giống cá bột nước ngọt đạt 1.040 triệu con; tôm sú sản xuất được 22 triệu con giống; sản xuất được 500 triệu con ngao giống...và các loài cua xanh, cá quả, rô phi đơn tính cũng được di nhập về để phục vụ cho việc nuôi trồng trong tỉnh.
Trong 9 tháng đầu năm tỉnh Thanh Hóa không xảy ra dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm, nuôi ngao, cá biển và cá nước ngọt. Sản lượng thu hoạch nuôi nước mặn, lợ, ngọt đều vượt hơn so với cùng kỳ.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo hướng công nghệ cao, nuôi trong nhà màng, nhà lưới ổn định, hiệu quả trong sản xuất. Người nuôi tôm sú, thẻ trong ao lót bạt ngoài trời chuyển sang đầu tư xây dựng ao/ bể nuôi trong nhà màng, nhà lưới với diện tích khoảng 100ha tập trung ở các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nghi Sơn, Quảng Xương ước đạt 30-50 tấn/ha/vụ.
Trong những tháng cuối năm ngành nuôi trồng thủy sản đặt ra mục tiêu sản lượng nuôi trồng đạt 15.954 tấn (nuôi nước mặn 3.554 tấn, lợ 3450 tấn, ngọt 8.950 tấn) và trọng tâm là chỉ đạo sản xuất phát triển nuôi trồng thủy sản, tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường...
Tuy đạt được nhiều kết quả thuận lợi nhưng vẫn còn tồn tại và hạn chế trong việc cấp giấy xác nhận đối tượng nuôi chủ lực, đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản cho các tổ chức, cá nhân...
Trần Nghị