Nam Định: Học sinh bị cô giáo đánh bầm tím tay vì bút hết mực, viết chậm
Ngày 30/5, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh kèm theo thông tin về việc một học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (TP Nam Định) bị cô giáo đánh tím bầm một bên tay.
Cụ thể, một tài khoản Facebook chia sẻ thông tin do bút của cháu bé bị hết mực nên viết bài chậm và bị cô giáo đánh. Về nhà, thấy cháu dơ tay lên kêu đau, mẹ mới hỏi thì cháu bảo bị ngã. Sau cháu mới khai thật là do cô giáo đánh. Bé hiền lành nhút nhát, đánh thế này không ăn thua gì nhưng tổn hại mặt tinh thần của cháu.
Được biết, sự việc trên xảy ra tại Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (TP Nam Định, tỉnh Nam Định).
Tay học sinh thâm tím sau khi ở trường về. (Ảnh đăng tải trên facebook người nhà cháu bé) |
Ông Nguyễn Thế Lâm – Trưởng phòng GD&ĐT TP Nam Định xác nhận có sự việc trên xảy ra tại Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu.
“Phòng GD&ĐT TP Nam Định cũng vừa nhận được báo cáo của Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu về sự việc trên. Theo báo cáo nhanh của trường, cô giáo dạy lớp 4 đã dùng thước nhựa của học sinh đánh nhẹ vào bả vai của cháu trong giờ học nhưng học sinh này không khóc.
Sau khi từ trường về nhà cháu cũng không nói, đến khi mẹ học sinh này thay quần áo mới thấy có vết bầm nên đã chia sẻ với em gái và chị này đã chia sẻ thông tin lên mạng xã hội.
Nhà trường đã yêu cầu cô giáo kiểm điểm, tường trình lại sự việc và đình chỉ công tác giảng dạy của cô giáo này để xử lý nghiêm”, ông Lâm thông tin.
Ông Lâm cũng cho hay, việc giáo viên đánh học sinh dù với bất kỳ lí do gì cũng là hành vi không được phép và vi phạm nghiêm trọng quy tắc ứng xử văn hóa học đường.
Phân tích sự việc này, cô Lê Thị Loan – Phó trưởng khoa Giáo dục - Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ: "Trường học là môi trường để giáo dục, nếu học sinh có mắc lỗi thì giáo viên bằng kỹ năng nghiệp vụ sư phạm phải giúp học sinh nhận ra lỗi lầm và sửa sai. Còn việc bút học sinh hết mực nên con viết chậm, đây là lỗi khách quan, sao có thể dùng đòn roi để trách phạt con trẻ? Điều này cũng được thể hiện rõ trong Bộ quy tắc ứng xử văn học học đường mà Bộ GD&ĐT đã ban hành, đó là nghiêm cấm dùng bạo lực với học sinh”.
1. Ứng xử với người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
2. Ứng xử với cán bộ quản lý: Ngôn ngữ tôn trọng, trung thực, cầu thị, tham mưu tích cực và thể hiện rõ chính kiến; phục tùng sự chỉ đạo, điều hành và phân công của lãnh đạo theo quy định. Không xúc phạm, gây mất đoàn kết; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cán bộ quản lý.
3. Ứng xử với đồng nghiệp và nhân viên: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, thân thiện, cầu thị, chia sẻ, hỗ trợ; tôn trọng sự khác biệt; bảo vệ uy tín, danh dự và nhân phẩm của đồng nghiệp, nhân viên. Không xúc phạm, vô cảm, gây mất đoàn kết.
4. Ứng xử với cha mẹ người học: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, tôn trọng, thân thiện, hợp tác, chia sẻ. Không xúc phạm, áp đặt, vụ lợi.
5. Ứng xử với khách đến cơ sở giáo dục: Ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà.
Hoàng Thanh