Thầy giáo đánh học sinh: “Vi phạm nghiêm trọng quy tắc ứng xử giáo viên với học sinh”
Một học sinh lớp 7 trên địa bàn Thanh Hóa bất ngờ ngất xỉu tại cổng trường và phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Trước đó, học sinh này trong giờ Thể dục đã bị thầy giáo đánh.
Sự việc một học sinh trường THCS Hoằng Thanh (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) bị giáo viên trường này đá và tát một lần nữa khiến dư luận đặt ra câu hỏi về văn hóa ứng xử của giáo viên với học sinh và câu chuyện bạo lực học đường trong môi trường giáo dục.
Theo đó, thầy giáo Lê Văn Tuấn - Phó hiệu trưởng trường THCS Hoằng Thanh cho biết, Ban giám hiệu nhà trường được các em học sinh và giáo viên kể lại, vào cuối tiết 4 môn thể dục của lớp 7B do thầy Q. dạy, học sinh L.P.D chạy sang lớp 7D trèo bám vào cửa sổ lớp học, cô giáo đang dạy môn Địa lớp 7D nhắc nhở em nhưng không được.
Thấy vậy giáo viên thể dục này yêu cầu em D. dừng hành động đó nhưng học sinh này đã tỏ thái độ lại nên trong lúc nóng thầy Q. đã tát và đá học sinh này 1 cái. Sau đó, giáo viên này cũng đã báo cáo lại cho cô giáo chủ nhiệm và em D. cũng đã lên lớp viết bản tường trình về sự việc.
Tuy nhiên, đến 10h35’ học sinh tan trường ra về, Ban giám hiệu nhận được tin báo của học sinh rằng bạn D. bị ngất xỉu ở ngoài cổng trường. Ngay lập tức, các thầy cô giáo nhà trường cùng thầy Q. đã đưa em D. đưa đi cấp cứu tại Trạm Y tế xã và bệnh viện tuyến trên.
Trường THCS Hoằng Thanh (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) |
“Thầy Q. cũng đã đến thăm hỏi, chăm sóc học sinh tại viện. Hiện sự việc đang được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, nhà trường cũng đã làm báo cáo gửi phòng GD&ĐT về sự việc”, thầy giáo Lê Văn Tuấn cho hay.
Liên quan đến sự việc nay, cô Lê Thị Loan – Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho hay: “Câu chuyện bạo lực học đường và văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục giữa giáo viên và học sinh, giáo viên và phụ huynh cũng như của học sinh và giáo viên lâu nay chúng ta nói mãi nhưng đâu vẫn vào đó.
Cụ thể với sự việc này, tất nhiên nếu nói chỉ có giáo viên sai thì không đúng, học sinh cũng có cái sai nhưng có nhiều cách trách phạt chứ không được dùng biện pháp xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm học trò. Điều này cũng được thể hiện rõ trong Bộ quy tắc ứng xử văn học học đường mà Bộ GD&ĐT đã ban hành”.
Cô Loan phân tích hình phạt là phương pháp giáo dục hướng đến mục đích giúp các em nhìn ra lỗi sai của mình và sửa chữa. Ở đây, giáo viên đánh học sinh có thể gây ảnh hưởng sức khỏe, danh dự của em đó.
Nếu học sinh đó vi phạm quy định trường học đến mức không thể dùng biện pháp khác và thường xuyên tiếp diễn, giáo viên có thể báo cáo nhà trường đình chỉ môn học trong thời gian nhất định, mời phụ huynh đến làm việc, thống nhất các hình thức kỷ luật nếu không thay đổi... Việc này phải được thông báo cho gia đình học sinh biết.
Đặc biệt, việc đánh học sinh là phản giáo dục. Bởi lẽ, học sinh bậc THCS ở lứa tuổi nhạy cảm, đã biết mình cần được tôn trọng, có thể diện trước các bạn trong lớp.
Cô Loan cho rằng trong bất kỳ trường hợp nào thì giáo viên phải là người hành xử chuẩn lực, vẫn phải tuân theo quy định của pháp luật, nội quy trường học, cũng như đạo đức nghề nghiệp. Việc đánh học sinh là vi phạm nghiêm trọng quy tắc ứng xử giáo viên với học sinh.
Tại điều 6 trong bộ quy tắc ứng xử trong trường học có nói rõ giáo viên khi ứng xử với người học: Ngôn ngữ phải chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
Còn tại điều 8 về ứng xử của người học thì người học trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên với giáo viên phải kính trọng, lễ phép, trung thực, chia sẻ, chấp hành các yêu cầu theo quy định. Không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm, bạo lực.
Hoàng Thanh