Môi trường mạng hiện nay tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đối với trẻ
Môi trường mạng internet mang đến rất nhiều điều bổ ích cho trẻ em, song cũng là "cái bẫy" gây ra hậu quả khôn lường.
Việc tiếp cận internet sớm giúp trẻ em có điều kiện khám phá nhiều kiến thức mới. Tuy nhiên, mặt trái là sẽ có nhiều thông tin không có sự kiểm duyệt, trẻ em chưa có ý thức bảo vệ mình rất dễ bị xâm hại bằng nhiều hình thức.
Hành vi xâm hại trên mạng thể hiện rất đa dạng, như đe dọa đăng hình ảnh nhạy cảm lên mạng, phát ngôn thù ghét, công kích bằng lời, cưỡng bức xem hình ảnh nhạy cảm, hù dọa, thách thức, bêu xấu…
Đáng lo ngại, tình trạng thanh thiếu niên, đặc biệt học sinh các trường phổ thông, đam mê, lợi dụng mạng xã hội để bình phẩm, bình luận tục tĩu (thậm chí qua mạng nói xấu cả thầy cô, phụ huynh), thách thức nhau trên mạng sau đó thực hiện các hành vi bạo lực học đường, bạo hành, cô lập nhau… nhiều trường hợp đã dẫn đến tử vong từ bạo lực học đường”.
Thực trạng trên cho thấy, thế giới mạng đã và sẽ để lại rất nhiều nguy cơ, rủi ro cho trẻ em khi tiếp cận, cũng là lĩnh vực mà tội phạm đang tích cực lợi dụng để thực hiện các hành vi, phương thức thủ đoạn để xâm hại trẻ em, tìm kiếm mại dâm, cưỡng dâm, khiêu dâm, mua bán trẻ em…
Phát biểu tại hội thảo chủ đề "An toàn cho phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng", thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - Phó giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam nhận định môi trường mạng hiện nay tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đối với trẻ em. Nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát, các em buộc phải học online, thời gian tiếp cận internet càng nhiều thì khả năng bị xâm hại, quấy rối trên mạng càng lớn.
Ảnh minh họa |
Tiến sĩ Hoàng Tuấn Ngọc (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) chia sẻ một kết quả khảo sát của mình trong nhóm học sinh trung học cơ sở ở TPHCM cho thấy, trong 7 nhóm vấn đề lớn mà học sinh gặp phải, đứng đầu là xâm hại trên môi trường mạng với 30% số học sinh tham gia khảo sát trả lời.
Khi trẻ em bị xâm hại từ môi trường mạng, nhiều hậu quả nghiêm trọng có thể dễ dàng nhận thấy trẻ tự làm hại bản thân thông qua việc "bắt chước", nhận thách đố làm theo các hành vi nguy hiểm tới thân thể, thậm chí tự tử theo nhân vật ảo; trẻ có thể có những hành vi cực đoan, bạo lực, phân biệt đối xử, kỳ thị với người khác; trẻ tiếp xúc với những nội dung khiêu dâm, gạ gẫm, quấy rối tình dục; trẻ bị dụ dỗ tham gia cờ bạc trực tuyến, bị tống tiền tình dục, bị mua bán và bóc lột tình dục trong lữ hành và du lịch…
Để giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại trên mạng xã hội đã đến lúc chúng ta cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông cho trẻ em và các bậc phụ huynh có ý thức và kỹ năng tiếp cận, sử dụng mạng xã hội một cách thận trọng, lành mạnh, không dễ dãi kết bạn, làm quen, nhận lời mời, nhận quà tặng từ những người mới quen trên mạng...
Đặc biệt, cần thận trọng, tỉnh táo trước những thông tin nghi ngờ trên mạng, tham vấn chia sẻ với mọi người, với chuyên gia để không sa vào cạm bẫy, lừa gạt hoặc sự dụ dỗ của đối tượng trên mạng
Về phía Bộ Công an, các đơn vị nghiệp vụ cũng cần phối với với Bộ Thông tin&Truyền thông, nhà cung cấp mạng để có cơ chế phối hợp nhằm kiểm soát, kịp thời phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn bắt giữ các đối tượng, băng nhóm lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi phạm tội và xâm hại trẻ em.
Các đơn vị phải thay đổi công tác tuyên truyền, cách tiếp cận, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thân thể trẻ em và quy trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan chức năng... Điều này cũng đồng nghĩa với việc, gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng phải hành động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực thì trẻ em mới được bảo vệ an toàn trên môi trường mạng.
Hiện công tác bảo vệ trẻ em đang được Chính phủ đẩy mạnh và có nhiều bước tiến đáng kể. Việc xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trên mạng cũng đã có khung pháp lý khá đầy đủ, có những quy định chặt chẽ để xử lý với các mức phạt lên đến vài chục triệu đồng.
Chính phủ cũng vừa triển khai Chương trình quốc gia bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025 với những hành động quyết liệt, thành lập Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với nhiều đơn vị tham gia.
Hoàng Thanh