Mẹ bắt con gái quỳ chỉ vì 7 năm học sinh giỏi mà giờ lớp 10 trường tư cũng không nhận
Hình ảnh cô bé tóc tai rũ rượi bị mẹ bắt quỳ gối trong khuôn viên một trường dân lập, cạnh con phố lớn bao người qua lại chỉ vì thi trượt lớp 10 thực sự ám ảnh tôi.
Ảnh chí có tính chất minh họa bài viết. |
Cơn giận dữ trút xuống đầu con trẻ
Trưa 1/7, tôi khựng lại khi nghe tiếng quát lớn “quỳ xuống, mày không quỳ tao đánh chết mày luôn” vọng ra từ một trường dân lập trên phố Trần Quốc Hoàn (Cầu Giấy, Hà Nội).
Tôi vội dừng xe thì đập vào mắt tôi là hình ảnh một bé gái sợ hãi quỳ gối ở lối đi nhỏ trong khuôn viên trường trước gương mặt giận dữ của một phụ nữ tóc ngắn, tay người phụ nữ ấy vung lên.
Một vài người lớn mặc đồ chống nắng lao vào can ngăn. Người phụ nữ chưa kịp đánh đứa trẻ nhưng hét lên: "Để yên cho tôi dạy con. 7 năm học sinh giỏi mà giờ đến trường tư người ta cũng không thèm nhận. Hôm nay, tao phải đánh cho mày chết thì thôi”.
Theo lời một số bạn trẻ chứng kiến sự việc từ đầu, đây là hai mẹ con đến đăng ký học tại trường. Cô con gái trước đó thi trượt kỳ thi vào lớp 10 trường công lập.
Không rõ vì lý do nào đó mà ngay cả trường dân lập này nhà trường cũng không nhận. Người mẹ bức xúc nên quay ra chửi rủa con, đỉnh điểm khi ra khỏi văn phòng trường, chị này đã bắt con quỳ xuống lối đi để xin lỗi.
Nhìn hình ảnh bé gái nhẫn nhịn quỳ gối trước bao ánh mắt khiến tôi thực sự xót xa. Không biết lúc này bà mẹ muốn gì ở đứa con gái bé bỏng ấy?
Đó có phải là sự bất lực, là đỉnh điểm của sự thất vọng sau chuỗi ngày chạy ngược chạy xuôi tìm trường cho con bất thành của bậc phụ huynh có con thi trượt lớp 10?
3 năm trước con tôi cũng thi vào lớp 10. Thời điểm ấy, tôi nghe các bậc phụ huynh đánh giá kỳ thi chuyển cấp này thậm chí còn gay gắt hơn cả thi đại học. Lý do là vì ở Hà Nội, nhiều năm nay chỉ hơn 60% học sinh đỗ vào trường công lập, có nghĩa là gần 40% các em sẽ phải chọn những con đường khác.
Cánh cửa nguyện vọng không phải luôn mở cho tất cả sĩ tử, và nhiều lúc thực tế nghiệt ngã khi có học sinh học rất giỏi, tỷ lệ đỗ ước tính khá cao nhưng cuối cùng đã tuột mất ngôi trường công lập yêu thích, thậm chí nguyện vong 2 dự phòng cũng không thể vào.
Thi trượt không phải là thất bại!
Con thi trượt, phụ huynh thất vọng 1 thì những đứa trẻ thất vọng 10 bởi chúng không chỉ bỏ lỡ cơ hội trước một trong những cuộc thi quan trọng nhất của đời học sinh mà còn phải chịu áp lực đổ dồn từ kỳ vọng của cha mẹ.
Dẫu biết rằng, cha mẹ nào cũng muốn con cái khỏe mạnh, học hành tử tế, giỏi giang nhưng kỳ vọng quá lớn sẽ khiến phụ huynh hụt hẫng, thất vọng, thậm chí sốc khi biết kết quả học tập của các con không như mình muốn.
Vậy là thay vì bình tĩnh tìm hướng đi phù hợp, nhiều bố mẹ lao đi khắp nơi rải hồ sơ, rồi than thở, rồi chì chiết về kết quả của con. So bì kết quả với “con nhà người ta”, thậm chí bắt con quỳ trước sân trường như bà mẹ trên… Dù vô tình hay cố ý, chính cha mẹ đã biến không khí gia đình trở nên nặng nề, căng thẳng.
Khi không được bố mẹ thấu hiểu, nâng đỡ, nỗi buồn thi trượt khiến các em rơi vào tuyệt vọng, nhụt chí gấp nhiều lần.
Ở độ tuổi bồng bột, không kiểm soát được hành vi, có em rơi vào trạng thái trầm cảm, tìm đến những lựa chọn tiêu cực bởi suy nghĩ thi trượt là mắc tội lớn khiến gia đình khổ sở.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương (Sơn Tây, Hà Nội) cho rằng, thay vì la mắng, chì chiết, cha mẹ hãy đồng cảm, chia sẻ, giúp con em đứng lên sau vấp ngã và định hướng con đường sau này.
Học tập là quá trình cả đời chứ không chỉ 12 năm trên ghế nhà trường và 4 năm ở giảng đường đại học.
Với sự da dạng của các loại hình học tập hiện nay, cánh cửa trường công lập khép lại cũng đồng nghĩa mở ra nhiều lối đi khác: trường dân lập, bổ túc văn hoá, các trường trung cấp vừa học văn hoá vừa đào tạo nghề…
Điều quan trọng nhất là cha mẹ phải giúp con cái tìm ra được sở thích, đam mê và thế mạnh của bản thân để phát triển.
“Việc học chưa bao giờ dừng lại bởi một kỳ thi. Và thi trượt không phải là thất bại mà chỉ là ngã rẽ một ngả đường khác, đi tới thành công theo một cách khác.
Bố mẹ hãy bên con trong những lúc con tuyệt vọng nhất, đừng đem thất vọng của mình đổ lên đầu những đứa trẻ ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, một thế hệ mà “vượt sướng” còn khó hơn vạn lần ‘vượt khó” ngày xưa”, cô giáo Hương bày tỏ.
Bi kịch của quý tử nhà giàu khi mẹ kỳ vọng, áp đặt thái quá
Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình lớn lên thành đạt nên luôn đặt kỳ vọng vào con cái. Trong một số trường hợp, sự kỳ vọng thái quá của cha mẹ đã vô tình tạo áp lực đẩy con vào bế tắc.
N. Huyền