Lo ngại các giảng viên Y-Dược 80 tuổi ở ĐH dân lập
Lo ngại về độ tuổi quá già của giảng viên trường KD&CN
Trong buổi họp báo chiều (28/12), thông báo về việc đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (KD&CN) mở ngành Y, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Quyền vụ trưởng Vụ giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT cho biết: “Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thuộc khu vực nội thành, Nhà nước cũng như Hà Nội sẽ có biện pháp giãn sinh viên nội thành ra ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận. Trường KD&CN có cơ sở ở Bắc Ninh từ trước, Bộ không kiểm tra điều kiện mở ngành ở điều này mà chỉ hướng dẫn điều kiện để trường thành lập phân hiệu”.
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép mở ngành Y. |
“Đến lúc trường KD&CN mở ngành Y thì chúng tôi chỉ quan tâm đến điều kiện mở có đủ không. Bao giờ trường đủ điều kiện, báo cáo lên thì hai bộ sẽ xem xét, cho phép tuyển sinh. Chúng tôi không ấn định 2016 – 2017 mà chúng tôi yêu cầu phải chuẩn bị đầy đủ".
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng trả lời báo chí. |
Theo bà Kim Phụng, trong văn bản thẩm định của đoàn liên ngành ngày 5/10, về cơ bản nhà trường đã thực hiện đầy đủ về đội ngũ cán bộ bám theo các điều kiện mở ngành tại công văn số 7836 của Bộ Y tế.
Cơ sở vật chất, phòng thực hành, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, thư viện về cơ bản đã đảm bảo theo quy định. Sau đó nhà trường theo ý kiến thẩm định của hội đồng đã bổ sung thêm đội ngũ cán bộ, trang thiết bị thực hành theo quy định để đảm bảo chất lượng đào tạo khi quy mô đào tạo tăng.
Đến lúc này dư luận cho rằng trường KD&CN tuyển quá nhiều cán bộ về hưu để giảng dạy ngành Y. Vậy độ tuổi của các giảng viên sẽ được quy định như thế nào đối với ngành Y, Dược? Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: “Chúng tôi cần có sự kín kẽ trong giải quyết vấn đề này để tránh tình trạng không có sự kế tục giữa các thế hệ.
Nhưng cũng cần tránh sự mủi lòng của các nhà giáo đang rất tâm huyết với nghề, đang muốn lao động khi còn mạnh khỏe. Theo quy định hành chính là cần có quy định hồ sơ, giấy chứng nhận đủ sức khỏe làm việc mà ngành y tế cấp”.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh – Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Phần lớn giảng viên các trường dân lập đã về hưu là điều đáng suy nghĩ. Bởi độ tuổi sinh học và độ tuổi làm việc nhiều khi không đồng hành. Những giảng viên 75-80 tuổi không thể trực tiếp mổ và hướng dẫn học sinh mổ trong bệnh viện. Bản thân tôi là hiệu trưởng nhưng vẫn trực tiếp thực hành”.
PGS.TS Nguyễn Đức Hinh chia sẻ: "Những giảng viên 75-80 tuổi không thể trực tiếp mổ và hướng dẫn học sinh mổ trong bệnh viện. Bản thân tôi là hiệu trưởng nhưng vẫn trực tiếp thực hành”. |
Cần sớm có chứng chỉ hành nghề quốc gia
“Ngày 15/12, Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học Y, Dược đã họp và đưa ra đề xuất. Kỳ tuyển sinh năm 2016, các trường đại học Y, Dược sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, phải áp dụng điểm ngưỡng cho ngành Dược học (học 5 năm) và Y đa khoa (6 năm). Mặc dù Luật giáo dục Đại học cho phép các trường tự chủ tuyển sinh nhưng Y Dược là ngành đặc biệt, cần có sự quản lý của Nhà nước. Ý kiến đề xuất này được 100% sự ủng hộ của Hội đồng”, ông Hinh nói.
Ông Nguyễn Minh Lợi trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí. |
Theo ông Hinh, nước ta có trên 90 triệu dân, cả nước chưa đến 20 trường đào tạo bác sĩ. Trên bản đồ đào tạo bác sĩ trên thế giới thì khoảng 2 triệu dân có 1 trường Y. Nước Mỹ 151 triệu có 125 trường, Nhật có 81 trường Y sau 40 năm không thành lập thêm, Pháp 65 triệu dân có 32 trường.
Để mở một trường Y và làm thế nào để đất nước có thêm trường đảm bảo chất lượng là cực kỳ khó. Trong tương lai cần có chứng chỉ hành nghề Y khoa, không phân biệt đào tạo trường công hay tư. Chứng chỉ hành nghề phải thi ở quốc gia, tái cấp trong 5 năm làm việc tại cơ sở hành nghề.
Ông Nguyễn Minh Lợi – Phó Cục trưởng Cục KHCN&ĐT - Bộ Y tế cho biết: “Thực hiện theo quy định tuyển ngành theo thông tư 08, có một số điều chưa phù hợp với Bộ Y tế và về phía Bộ GD&ĐT cũng đang xem xét sẽ chỉnh sửa bổ sung lại thông tư này.
Công văn 7836 là đề xuất của Bộ Y tế đối với Bộ GD&ĐT về tiêu chí mở ngành đào tạo. Mặc dù chưa đầy đủ các tiêu chí nhưng đó là tiêu chí căn bản, tối thiểu cần có đã được đề cập trong công văn”.
Ông Nguyễn Văn Áng – Đại diện Vụ Kế Hoạch – Tài Chính cho biết: “Chúng ta cũng biết rõ là không có chuyện ưu ái ở đây. Đặc biệt với các trường ngoài công lập không có chuyện ưu tiên. Phải hướng tới chất lượng, về số giảng viên có trình độ, số sinh viên đạt tiêu chuẩn đầu vào cũng như hệ thống cơ sở vật chất của trường".