Lê Bảo Trung: 'Đừng đeo mặt nạ sắt để xem phim hài'
Lê Bảo Trung: 'Đừng đeo mặt nạ sắt để xem phim hài'
Đừng mang khuôn mặt sắt khó đăm đăm khi xem phim
- "Gia sư nữ quái" là bộ phim giải trí của teen?
- Đúng, mà không đúng! Bởi phim không chỉ dành cho teen, các bạn trẻ, mà thông điệp đơn giản và gần gũi của Gia sư nữ quái sẽ giúp cả những em bé tiểu học, sinh viên hay các bậc làm cha, mẹ, đều có thể đưa con em tới rạp.
Họ sẽ thấy hình ảnh của chính mình đâu đó trong những tuyến nhân vật, và bằng tiếng cười thoải mái, khán giả sẽ tự tìm được thông điệp riêng. Phim của tôi chẳng có giáo điều hay triết lý cao siêu.
![]() |
Đạo diễn Lê Bảo Trung. |
- Nhưng sau khi xem, nhiều người nhận xét phim của anh thiên về hướng giải trí hơn là mang một thông điệp nào đó có ý nghĩa. Anh nghĩ sao?
- Làm phim, tôi vẫn muốn có đông khán giả tới rạp. Và tôi không muốn dừng lại ở đó, nhà làm phim cần chuyển thông điệp đến số đông và nó rõ ràng là những cậu sinh viên hoàn cảnh khó khăn, trí thức trẻ đứng trước cơ hội không có tiền để nuôi giấc mơ cho mình, và một nhánh không xác định được mục đích sống. Khán giả đến rạp đông vì Hoài Linh, Chí Tài, Trấn Thành hay Bảo Thy, Isaac, nhưng chắc chắn họ đến rạp đâu phải chỉ xem thần tượng. Họ đến để xem câu chuyện của những nhân vật này ra sao.
Và tôi nghĩ, khát vọng sống từ những gia sư này là thông điệp thú vị. Có thể không mới, nhưng nó không bao giờ cũ. Tôi muốn làm một bộ phim với tông màu trong sáng, những gì đẹp, hiền hòa, không gây sốc, lộ hàng. Trong phim chỉ gồm những câu chuyện của người trẻ, khát khao được sống, vượt lên nghèo khổ, số phận bằng một cách nhìn trẻ trung, hài hước và giải trí.
![]() |
![]() |
Đạo diễn chỉ đạo một cảnh trong phim. |
- Nhưng trước đó "Bóng ma học đường" - một phim về xã hội, giới trẻ đã không mang lại hiệu quả như anh mong muốn?
- Đó cũng giải thích một phần lý do tại sao tôi chọn ra mắt Gia sư nữ quái là ngày 1/6, mở đầu cho dịp nghỉ hè. Sinh viên, học sinh, và cả gia đình, đều có thể chọn cho mình một khoảng thời gian thoải mái. Bản thân tôi không phải người làm nghệ thuật mà nghe chê thì cay cú, nghe khen thì tự hào. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng trong cuộc sống, sao lại cứ mãi đeo những "khuôn mặt sắt" và đăm đăm khó tính khi đến rạp xem phim như vậy? Khổ sở lắm.
Vào rạp đâu hẳn xem phim hài mới cười được. Cái cười sinh lý đâu có giống cười tâm lý? Trong Gia sư nữ quái là những miếng chọc cười bằng trang phục, hay hành động ngớ ngẩn, buồn cười, và cân bằng lại bằng cái cười chua xót, thấm thía từ những câu thoại, tình huống. Bạn mong muốn tiếng cười như thế nào thì khi xem phim, bạn sẽ tự chọn cho mình kiểu cười bạn mong muốn. Dù là nhà báo hay khán giả, vào rạp để tìm tiếng cười, hay để căng mắt lên "bắt giò" đoàn phim như những nhà phê bình điện ảnh chuyên nghiệp "tự phong"? Tại sao không... đặt súng ống sang một bên, và đón nhận cảm xúc trong sáng, bạn sẽ thấy cuộc sống hạnh phúc và đáng yêu hơn?
Gia sư nữ quái ra đời thuở hàn vi
- "Gia sư nữ quái" được anh ấp ủ từ khi nào?
- Năm 1998, tôi đã có một kỷ niệm đẹp riêng là vở Phòng trọ ba người, được giải thưởng Liên hoan Sân khấu hài Toàn quốc. Vở kịch sinh viên chinh phục khán giả hoàn toàn với 500 suất diễn liên tục, chưa có một tiền lệ nào như thế. Vở kịch đó góp phần nâng tầm cho những nghệ sĩ Thái Hòa, Đức Thịnh, Hữu Phúc bây giờ.
Chúng tôi lúc đó nghèo cả đám, và nhờ Phòng trọ ba người, chúng tôi sống được tận 2 năm. Từ đó, vấn đề học sinh - sinh viên như dòng chảy xuyên suốt của tôi, thôi thúc tôi làm phim cho người trẻ. Ngày xưa, tôi chỉ nói về thân phận, sự khổ sở của sinh viên. Còn năm nay, tôi đưa hình ảnh "nữ quái" vào. Nó làm câu chuyện thêm kịch tính và sinh động.
![]() |
Với Chí Tài. |
- Isaac, ca sĩ của nhóm 365, và Bảo Thy, sao lại là hai ca sĩ cho một cặp đôi diễn viên chính?
- Đó là một lựa chọn táo bạo của tôi. Lúc tôi đưa kịch bản và nói với Bảo Thy như thế này: "Thy ơi, em có muốn thay đổi không? Trước giờ em toàn hóa thân làm công chúa, tiểu thư hiền lành, ngoan ngoãn. Bây giờ, trở thành một cô gái quậy phá, đanh đá và khác hẳn em trước đây thì sao?". Thy điềm tĩnh trả lời rằng: "Em chỉ đóng phim có một lần, nhưng nếu cho em cơ hội, em sẽ làm chỉn chu nhân vật của mình sao cho sát kịch bản nhất. Và em xin được ứng cử mình cho vai Huỳnh Mai. Nó khác hẳn những gì em đã làm!". Dù là diễn viên, hay ca sĩ như Bảo Thy, đều mong muốn có cơ hội để lột xác và làm mới mình. Tôi nghĩ Thy có năng khiếu hóa thân, tại sao lại không yên tâm ở cô ấy?
Còn Isaac, khi đó tôi đang rất lúng túng vì casting bao nhiêu người vẫn không chọn được người ưng ý cho vai gia sư bên cạnh Trấn Thành. Tôi đặt yêu cầu rằng phải đẹp, biết hát, nhảy và diễn xuất. Trong lúc hoang mang, qua lời giới thiệu của Bảo Thy, Isaac đến một cách bất ngờ. Chính lúc đó, tôi còn không biết cái cậu này là ai.
Và khi cậu ấy cần cầm kịch bản và thoại câu đầu tiên, tôi không còn do dự gì, quyết định đưa cậu ấy vào danh sách diễn viên. Isaac có năng khiếu và chiều sâu cần có của một anh chàng gia sư bị chèn ép. Cậu liên tục gặp chuyện không hay ở thành phố đầy cạm bẫy, nhưng cậu vẫn lạc quan, kiên trì để giữ danh dự của mình. Đó là một thử thách rất lớn cho Isaac, bởi Trấn Thành đã quá nổi và đóng vai trò hoạt náo trong phim. Cậu ấy đã làm được, và làm rất tốt!
![]() |
Đóng quần chúng, dán poster dạo và con đường trở thành đạo diễn
- Còn giấc mơ của "sinh viên 40 tuổi" Lê Bảo Trung như thế nào?
- Tôi xuất thân ở quê. Trong hoàn cảnh ở Tiền Giang không có bất cứ một thông tin nào về điện ảnh. Tôi ươm một ước mơ, và muốn thực hiện giấc mơ điện ảnh. Khi chia sẻ với gia đình chuyện này, người nhà chưa bao giờ nghĩ đến ước mơ khác thường của con như thế, và chắc chắn không ủng hộ tôi lên Sài Gòn. Vậy mà tôi vẫn đi học. Ký túc xá ngày xưa khi tôi lần đầu tiên lên Sài Gòn chính là ký túc xá Đại học Bách Khoa, nơi tôi chọn làm bối cảnh mở đầu cho Gia sư nữ quái.
Lúc đó, tôi chỉ len lén vào ở chui cùng một người bạn, tá túc qua ngày để tìm nhà trọ. Sau này chuyển qua ký túc xá của Đại học Sân khấu điện ảnh, những kỷ niệm càng nâng lên. Và rốt cuộc, tôi đã "kinh" qua bao nhiêu phòng trọ ở nhiều quận khác nhau, nào là nhà kho ở gầm cầu chữ Y, nhà trọ trên nóc môt cao ốc của công ty Điện lực... Những nơi đó đã hiện diện lại ở Gia sư nữ quái, một cách tự nhiên, như một cuốn phim quay chậm mà tôi đặt hoàn toàn mọi tâm huyết vào, thậm chí từ chối cả những nhãn hàng có nhã ý đặt quảng cáo.
![]() |
![]() |
- Vì thế những cảnh trong "Gia sư nữ quái" về 2 chàng sinh viên Minh và Trí có vẻ rất đời thực?
- Tôi đã suýt chút nữa bị đình chỉ học vì không có tiền học phí. Bi kịch nhất là bị đình chỉ học, bi kịch thứ hai là ăn uống thiếu thốn, đi làm thêm đủ nghề, tiếp thị, bán cơm, phụ nước, và dán poster. Bây giờ, các bạn sinh viên có điều kiện sống tốt hơn, nhưng tôi vẫn thấy nhiều em sống chật vật trong phòng trọ 20m2 có 8, 9 người cùng chung sống. Tôi đã chiêm nghiệm quá đủ để có thể đưa lên Gia sư nữ quái những gì thật nhất.
- Cuộc đời anh dường như có khá nhiều nét tương đồng với câu chuyện trong phim?
- Năm 1994, tôi ra trường, thất nghiệp. Điện ảnh hay sân khấu Việt Nam thời đó chưa phát triển. Tôi học xong và thấy tương lai mình quá mờ mịt. Tôi chỉ biết nằm ở ký túc xá và chờ cơ hội đi đóng quần chúng, đạp xe đạp tới phim trường chỉ để đi ngang khung hình, và nhận 5.000 - 10.000 đồng cát-xê, nhưng tôi vẫn thích và xin đi để học cách làm phim. Sống bằng nghề phục vụ bàn, gác phim nữa. Lúc đó, tôi thấy mọi thứ đều quay lưng lại với mình. Tôi đau xót cho nghề của mình lắm.
- Gác phim, nghe hơi… lạ?
- Khi phát hành phim, nhà sản xuất cử người đến rạp để quan sát quá trình bán vé, báo cáo lượng khán giả, và giữ cuộn phim sao cho không bị sao chép lậu. Lúc đó, tôi làm cho anh Phước Sang. Buổi tối, tôi ôm poster đi dán đầy thành phố. Hai tay cứ dính chặt vào thùng hồ, và lang thang suốt đêm. Những người bạn của tôi khi ấy là Vũ Ngọc Đãng, Minh Dofilm… cũng đi dán. Cảnh cuộc sống như vậy chẳng có điều kiện cho mình thực hiện ước mơ.
Nhưng tôi quyết tâm bám trụ, và tiếp tục học thêm đạo diễn. Khi ấy, truyền hình bắt đầu vực dậy, và TFS đã đỡ đầu tôi với bộ phim đầu tay là Hải Âu. Cả những đạo diễn nổi tiếng cùng lớp với tôi ngày ấy cũng có may mắn được sự giúp đỡ.
![]() |
![]() |
Muốn làm phim chinh phục thế giới
- Nhưng có vẻ hướng đi của anh khác với các bạn cùng lớp?
- Tôi làm phim gần gũi và hướng về con người. Còn nếu bạn thích tôi làm phim để đi thi, để giành danh hiệu, bây giờ chưa phải lúc. Nói về giải thưởng, tôi đã có như Cánh diều bạc cho phim Hải Âu, Mai Vàng cho Đẻ mướn. Dù ngày đó, người ta có dập tôi tơi bời khi làm Đẻ mướn, báo chí bảo tôi làm phim thị trường, không có nghệ thuật, nhưng sau đó, khán giả đến rạp xem phim và khen ngợi. Hội điện ảnh thành phố tặng giải thưởng, nhà sản xuất đạt doanh thu khủng.
Lúc đầu, tôi hơi hoang mang, tại sao lại có một số nhà báo hơi ác ý như thế, nhưng dần dần, khán giả bắt đầu chú ý và ủng hộ những sản phẩm kế tiếp của tôi. Tôi không còn đặt nặng khen chê, tôi chỉ biết làm phim bằng cả trái tim và những người tôi trân trọng.
- Một dự định anh tâm huyết nhất bây giờ là gì?
- Đó sẽ là một bộ phim tôi làm mà không đoái hoài tới doanh thu. Đó là phim với cách nhìn của riêng tôi, và tôi muốn chinh phục khán giả thế giới bằng việc mang phim gửi đi các liên hoan phim. Dù tôi đã có dịp đi đến một số liên hoan phim, nhưng ngoài yếu tố học hỏi, tham khảo, tôi vẫn giữ trong mình cái xót xa khi điện ảnh Việt Nam chưa được thế giới công nhận và dành cho một cái nhìn trân trọng trên thảm đỏ.
Vì thế, phim tôi mong muốn, sẽ là một đề tài gai góc, và vẫn là đề tài thân phận con người. Có lẽ, cả yếu tố chiến tranh, hòa bình, và cuộc sống, sự phục hồi sau chiến tranh sẽ chứa vô vàn những vấn đề đáng để tâm.
K.C