Giới trẻ nên đọc sách như thế nào?
“Phiên chợ Khuyến đọc” tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP.HCM diễn ra từ ngày 29/12 đến ngày 2/1/2023.
Trong buổi sáng đầu tiên của phiên chợ, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM nhấn mạnh: Đường sách được mở ra không chỉ để bán sách, mà chủ yếu để những người yêu thích sách tìm đến, giao lưu và lan tỏa văn hóa đọc. Phát triển văn hóa đọc đang là mục tiêu của cả ngành xuất bản và ngành giáo dục.
Một trong những điểm nhấn của “Phiên chợ Khuyến đọc” là chương trình giao lưu giữa Thạc sĩ Thái Thu Hoài, Phó Trưởng Khoa Xuất bản (Đại học Văn hóa TP.HCM) và ông Nguyễn Anh Luân, Giám đốc Dự án xã hội “Nhà của thời thơ ấu” cùng các độc giả; tập trung thảo luận về những vấn đề thu hút sự quan tâm của giới trẻ hiện nay như: Nên đọc sách vì thói quen hay mục tiêu? Cách nào ứng dụng sách vào thực tế cuộc sống để đạt hiệu quả cao? Đọc sách self-help (sách hướng đến mục tiêu giúp người đọc tự hoàn thiện bản thân) có giúp ích được cho bản thân nhiều như tên gọi của sách hay không? Những cuốn sách nào có thể giúp thay đổi cuộc đời?...
Các diễn giả đồng quan điểm rằng sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, sự vươn lên mạnh mẽ của Internet khiến sách dường như bị bỏ quên, đặc biệt là trong giới trẻ. Nhiều người không tìm đến sách nữa mà dành thời gian cho những trò chơi hay các mạng xã hội Facebook, Zalo, Instagram, Tinder...
Thạc sĩ Thái Thu Hoài phân tích: Với những người thuộc thế hệ trước, khi Internet chưa phổ biến, thì cầm trên tay những cuốn sách là điều đáng trân trọng. Còn ngày nay, không chỉ đọc sách giấy, các bạn trẻ còn có thể tiếp cận sách nói, sách điện tử, dễ dàng truy cập bất cứ kho tàng tri thức nào của nhân loại thông qua smart phone hoặc laptop. Chính vì quá đa dạng lựa chọn lại khiến con người ta lười đọc sách hơn.
Chia sẻ quan điểm cá nhân về việc nên xem việc đọc sách vì thói quen hay vì mục tiêu, ông Nguyễn Anh Luân kể: “Khi bắt đầu đọc, tôi xem đọc sách là một mục tiêu. Đọc sách giúp tôi có thêm nhiều ý tưởng mới, những định hướng mới cho cuộc đời. Chúng ta phải luôn suy nghĩ xem đọc để làm gì, giúp ích gì cho mình. Sách không giúp bạn giải quyết vấn đề nhưng giúp bạn tìm ra phương hướng để đi”.
Bàn về hiện trạng nhiều bạn trẻ đã tìm đến dòng sách self-help song không phải ai cũng biết cách ứng dụng hiệu quả vào công việc, học tập, ông Nguyễn Anh Luân khuyến nghị: “Các bạn trẻ nên đọc sách self-help, sau đó tham gia khóa học của tác giả và ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Trong quá trình ứng dụng nên xem sách đó như một tài liệu tham khảo để đối chiếu với thực tế mà bản thân trải nghiệm. Thực tế và sách đôi khi kết quả không giống nhau, xem xét lại bản thân hoặc lựa chọn những cuốn sách khác có thể giúp ích để điều chỉnh cho phù hợp”.
Quan sát thực tế thời gian qua thì thấy các nội dung về chữa lành tâm hồn và phát triển bản thân ngày càng được tìm đọc nhiều, thúc đẩy phát triển ngành kinh doanh sách self-help thành ngành công nghiệp có trị giá hàng tỷ đô la.
Tại Việt Nam, xu hướng đọc sách ở Việt Nam chưa cao, nhưng các đầu sách self-help vẫn luôn được ưa chuộng. Không chỉ các đầu sách từ tác giả Việt Nam mà các tác giá nước ngoài cũng rất có ảnh hưởng, điển hình như cuốn “Đắc nhân tâm” của tác giả Dale Carnegie.
Tuy nhiên, đã có không ít ý kiến cho rằng sách self help “phi lý” vì gây ảo tưởng sức mạnh cho người đọc. Khi đọc sách này, người đọc có thể cảm thấy mình là một phần trong câu chuyện với cái kết quá mỹ mãn giữa một cuộc sống khắc nghiệt ở hiện tại.
Phản bác lại luồng ý kiến tiêu cực nêu trên, nhiều người lưu ý, nếu đọc sách xong chỉ “ngồi mơ giữa ban ngày” thì đã vận dụng sai loại sách này. Đọc sách về thói quen của người thành công hoặc sự khác biệt giữa người thành công và thất bại, nhưng không thử áp dụng vào thực tiễn, thì đọc mãi cũng khó có thể phát triển toàn diện.
Lam Anh