Xây dựng nhiều đầu sách khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường
Sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa đọc tại Việt Nam là một trong những nội dung đáng chú ý tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra ngày 18/12.
Nhìn lại năm qua, rất nhiều hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc đã được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp triển khai.
Điển hình như: Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 trên toàn quốc vào ngày 19/4, công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam, UBND quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội tổ chức các chuỗi hoạt động về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, chọn Phố Sách Hà Nội (Phố 19/12) là một trong những địa điểm tổ chức các hoạt động, sự kiện, tuyên truyền về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất.
Chỉ đạo tổ chức Hội sách trực tuyến quốc gia năm 2022 chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất. Hội sách đã thu hút được sự tham gia của 75 nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, giới thiệu khoảng 20.000 đầu sách, tổ chức được 7 sự kiện tọa đàm, giao lưu với sự tham gia của nhiều tác giả, nhà văn, nhà khoa học. Đã có tổng số 4.739.060 lượt truy cập Hội sách, trong đó, 72,89% lượt truy cập của độc giả ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 - 10/10/2022), gặp mặt, tuyên dương người làm xuất bản tiêu biểu vào ngày 10/10.
Chủ trì, phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm, trao giải cho 26 cuốn sách và bộ sách, trong đó có 1 giải A, 9 giải B và 16 giải C. Nhìn chung, các cuốn sách được trao Giải thưởng đều bảo đảm chất lượng, có nội dung phong phú, hình thức đẹp, có tính đa ngành, đa mục tiêu và hướng đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị lý luận và thực tiễn cao, có tính thời sự và đang được xã hội quan tâm.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, một "điểm sáng" trong "bức tranh" xuất bản Việt Nam năm qua là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các nhà xuất bản đã nỗ lực đổi mới nội dung, cách thức, quy trình triển khai các nhiệm vụ công tác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản nhằm góp phần thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời kỳ mới, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Số liệu của Cục Xuất bản – In và Phát hành cho thấy, số đầu xuất bản phẩm in năm 2022 ước đạt 39.700, tăng nhẹ so với năm 2021, và số đầu xuất bản phẩm điện tử ước đạt 3.200, tăng 59% so với năm 2021.
Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá, hoạt động phát triển văn hóa đọc vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn, vướng mắc, hạn chế. Chẳng hạn: Quy mô, năng lực hoạt động của nhà xuất bản còn hạn chế; Chất lượng một số mảng sách chưa cao, vẫn còn có một số đầu sách, bản sách vi phạm nội dung; Còn ít sách giá trị, phát hành với số lượng lớn (từ 500.000 trở lên); Tình trạng in, phát hành lậu, đặc biệt xâm phạm bản quyền sách trên không gian mạng tiếp tục chậm được khắc phục; Hoạt động xuất, nhập khẩu sách vẫn còn bị bị ảnh hưởng rất lớn do đại dịch Covid-19 để lại, nhiều đơn vị doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện do cước phí vận chuyển tăng cao nhất là thị trường châu Âu, Anh và Hoa Kỳ…
Đánh giá cao tầm quan trọng của văn hóa đọc đối với sự phát triển của quốc gia, trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định một loạt nhiệm vụ trọng tâm liên quan tới hoạt động phát triển văn hóa đọc, gồm: Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai và Hội sách chào mừng; Tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 6; Tổ chức triển lãm sách kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (dự kiến địa điểm tổ chức tại Nhật Bản)…
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng xác định rõ định hướng đến năm 2025 sẽ xây dựng nhiều đầu sách, bộ sách giá trị khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần cho Việt Nam bứt phá, vươn lên trở thành nước phát triển.
Phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 5,5 – 6 bản sách/người/năm, trong đó tỷ lệ sách xuất bản điện
tử trên số đầu sách đạt tối thiểu 15%; Phát triển sách tinh gọn (tinh lược, tóm tắt) với số lượng đầu sách chiếm từ 3 - 5% tổng số đầu sách lĩnh vực in; Bảo đảm 90% địa phương có ít nhất 1 Trung tâm phát hành sách hiện đại…
Bình Minh